MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ tháng 9.2021 có gần 250 học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ không còn được hỗ trợ nuôi ăn, bữa ăn trưa hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa. Nhiều học sinh ở lại trường phải ngủ chung, ngủ ghép trong những phòng tạp chật hẹp. Ảnh: Minh Khuyên.

Lời thỉnh cầu "bữa trưa cho trò nghèo" từ xã xa xôi biên giới

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 19/01/2022 08:00

Trong những ngày giáp Tết, các thầy cô giáo nơi biên giới xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vẫn đang miệt mài kêu gọi sự ủng hộ để có thêm bữa cơm trưa cho trẻ em nghèo...

Chỉ học nửa ngày vì không còn bữa trưa

Những lời kêu gọi xin hỗ trợ bữa cơm trưa cho trẻ em nghèo do cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ chia sẻ trên facebook trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán đã khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Gần 6 năm công tác tại trường, gắn bó và sẻ chia những khó khăn với những trẻ em nghèo người dân tộc La Hủ, cô Khuyên luôn đau đáu với thực trạng học sinh không đến lớp, thầy cô phải đi từng nhà, vào từng cánh rừng, mảnh nương để tìm các em đưa về trường.

Một học sinh nghỉ học ở nhà đi lấy củi.

Đặc biệt khi bước sang năm học 2021 – 2022, theo quy định mới về đối tượng hưởng thụ các chế độ, chính sách của Nhà nước, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ có gần 250 học sinh không còn được hỗ trợ bữa ăn bán trú. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến việc vận động học sinh đến lớp càng khó khăn gấp bội.

“Buổi sáng các em đến lớp đầy đủ nhưng buổi trưa lại phải về nhà, về lán nương ăn cơm vì không còn được ăn cơm ở trường. Vì thế đến buổi chiều, hầu hết các em không trở lại lớp học mà ở nhà đi lấy củi hoặc đi nhặt đồ phế liệu để bán kiếm tiền” – Cô Khuyên nói.

Những giáo viên vùng cao ở Pa Ủ luôn lo lắng trước thực trạng học sinh không đến lớp vì bị cắt bữa cơm trưa theo quy định mới.

“Khi mọi người đang lên kế hoạch nghỉ Tết thì em và các đồng nghiệp lại đang lo lắng không biết ra Tết sẽ vận động học sinh trở lại lớp học bằng cách nào khi chưa xin được kinh phí bữa ăn trưa cho các con ở lại trường. Nỗi lo lắng lại càng tăng lên khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến chúng em không có tâm trạng nghĩ đến Tết” – cô giáo Khuyên chia sẻ.

This browser does not support the video element.

Clip: Cô giáo Bùi Thị Minh Khuyên đi “bắt” học sinh...

Lời kêu gọi từ nơi biên giới trong những ngày giáp Tết

Từ những khó khăn tưởng chừng như bế tắc, cô giáo Khuyên và những đồng nghiệp tâm huyết đã tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường viết thư ngỏ gửi đến các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị từ thiện trong cả nước để mong nhận được sự sẻ chia.

Trong thư có đoạn: Sau bao ngày đắn đo thì hôm nay em quyết tâm lên đây kêu gọi sự chung tay từ các nhà hảo tâm các mạnh thường quân giúp đỡ cho học sinh trường em có bữa cơm trưa để đến trường. Em mong nhận được sự quan tâm động viên để học trò em có bữa cơm trưa tại trường hơn bao giờ hết. Mong các cô chú, anh chị yêu thương học trò của em nhiều hơn nữa.

Bức thư ngỏ với những lời kêu gọi xin kinh phí để tổ chức bữa cơm trưa cho học sinh nghèo gửi đến các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong cả nước từ vùng cao, biên giới.

Ngày 17.1, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thành Long – Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ cho biết: “Xã Pa Ủ hiện có khoảng gần 860 hộ dân với hơn 3.600 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc La Hủ đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm đến gần 70%”.

Theo lời ông Long, trong năm học 2021 – 2022, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ có 30 lớp học với hơn 560 học sinh, trong đó có 246 học sinh không còn được hỗ trợ nuôi ăn tại trường do có sự thay đổi về đối tượng thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn nên nhiều em học sinh bán trú phải ngủ chung, ngủ ghép trong những phòng tạp hết sức chật hẹp.

Tại nhiều điểm bản vẫn chưa có điện lưới, buổi tối học sinh tranh thủ ôn bài dưới ánh điện chạy bằng năng lượng mặt trời.

Do đó, trong bức thư ngỏ kêu gọi xã hội hóa giáo dục được phát đi sau nhiều ngày, đêm trăn trở của những thầy cô giáo tâm huyết đã được cân nhắc rất chi tiết:

Số tiền cần cho 4 tháng học kỳ II của năm học này như sau: Số tiền ăn bữa sáng là: 246HS x 3.000 x 22 ngày x 3 tháng = 48.708.000đ; Số tiền ăn bữa trưa là: 246HS x 7.000 x 22 ngày x 3 tháng = 113.652.000 đồng; Xây dựng 12 phòng ở kiên cố cho 178 học sinh bán trú ở bản trung tâm với tổng diện tích là 400m2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn