MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lớp học sinh vật biển miễn phí tại Đà Nẵng. Ảnh: Thùy Trang

Lớp học sinh vật biển miễn phí, thả ghẹ mẹ ôm trứng làm giàu đại dương

THÙY TRANG LDO | 26/06/2023 16:31

Một buổi chia sẻ về sinh vật biển vừa được nhóm Cứu hộ động vật biển Sasa tại Đà Nẵng tổ chức, trong đó các em nhỏ cùng phụ huynh được trải nghiệm thả vài trăm con ghẹ mẹ về với tự nhiên.

Nhóm Cứu hộ sinh vật biển Sasa từ năm 2018 đã trở thành địa chỉ quen thuộc khi có trường hợp động vật biển như cá heo, rùa bị thương dạt vào bờ. Chưa kể, chẳng cần ai gọi, nhóm Sasa cũng đều đặn 4-6 ngày mỗi tuần ra các bãi rạn quanh núi Sơn Trà (Đà Nẵng), ngụp lặn cứu hộ từng cành san hô.

Ngoài những hoạt động cứu hộ động vật bị thương, nhóm còn đang duy trì việc đưa sinh vật trở lại biển như cua mẹ ôm trứng, ghẹ mẹ ôm trứng, tôm hùm con… Một số lần, những hoạt động này có mặt của các bạn nhỏ và khi được nghe về biển, về các loài động vật, các em rất thích thú.

Từ đó, anh Lê Chiến - trưởng nhóm đã nảy ra ý tưởng nhân rộng mô hình này lên, để nhiều em nhỏ được tham gia hơn. “Hoạt động không chỉ là bài học môi trường mà còn giúp các em nhỏ biết được cách tương tác với các loài động vật, biết vị trí, vai trò của từng loài trong hệ sinh thái. Trong quá trình tham gia, các em cũng còn dọn dẹp bờ biển, nhận biết loài nào có thể gây hại. Đặc biệt là dịp hè này, cả phụ huynh và các em nhỏ có thể cùng tham gia vào những ngày cuối tuần để mùa hè của các em có thêm ý nghĩa”.

Lớp học dành cho cả phụ huynh và các em nhỏ. Ảnh: Nguyên Thi

Từ ý tưởng đó, chiều chủ nhật vừa qua (25.6), nhóm anh Chiến đã đón gần 20 em nhỏ và các bậc phụ huynh đến lớp học về sinh vật biển. Lớp học được tổ chức miễn phí, ngay cả 200 con ghẹ mẹ cũng được anh Chiến chuẩn bị từ trước.

Tại đây, anh Chiến đã chia sẻ thông tin về loài ghẹ. Cầm con ghẹ mẹ trên tay, anh Chiến giải thích tường tận nơi sống của loài là vùng biển nhiều cát nên nhóm chọn vùng biển ở quận Ngũ Hành Sơn để thả.

“Tại sao lại phải thả ghẹ mẹ về biển ạ?” - một bạn nhỏ cất lời hỏi.

Các nhóm đã thả 200 con ghẹ mẹ ôm trứng về biển. Ảnh: Nguyên Thi

Anh Chiến cười đáp: “Bởi một con ghẹ mẹ có thể đẻ ra 30.000 - 50.000 ghẹ con. Đó là nguồn thực phẩm cho chúng ta ăn. Nhưng tỉ lệ ghẹ con sống, trưởng thành chỉ được có 0,01% thôi. Trong khi tốc độ khai thác như hiện giờ không cân bằng với tốc độ sinh sản mới. Nên nếu có thêm số lượng ghẹ mẹ về biển thì sẽ tốt hơn. Và chúng ta không nên ăn ghẹ mẹ ôm trứng, ghẹ cái. Ở nước ngoài, có nơi đã cấm ăn ghẹ cái để tạo cân bằng cho tự nhiên”.

Một thành viên của nhóm Sasa mang ghẹ mẹ ra nơi sóng lặng để thả. Ảnh: Nguyên Thi

Các bạn nhỏ chăm chú nghe lời chia sẻ, có em ngơ ngác như còn chưa hiểu, có em lại ồ lên với những biểu cảm rất ngây ngô. Đến khi cả nhóm ra biển, được nhìn thấy 200 con ghẹ mẹ ôm trứng, từng bạn nhỏ đã rất háo hức được trải nghiệm mở dây càng cho ghẹ mẹ, đặt ghẹ mẹ vào chậu cát trước, rồi đi ra vùng nước lặng sóng, thả ghẹ về với biển.

Một thành viên trong nhóm Sasa còn hỗ trợ ôm từng con ghẹ mẹ ra xa thả để đảm bảo tỉ lệ sống cao hơn.

Chị Lê Trang, một phụ huynh đưa con tham dự lớp học, chia sẻ: “Sau khi nghe thông tin về loài sinh vật biển, đến lúc các con nhìn ghẹ mẹ thì nhiều bạn lại thấy thương vì biết rằng hành trình cả đời của ghẹ mẹ là ôm bọc trứng, đẻ con. Các bạn nhỏ cũng sẽ nhiều cảm nhận khác nhau, có bạn sẽ có thêm kiến thức về đại dương, về động vật nhưng từng hành động nhỏ như thế này sẽ giúp nuôi dưỡng tình yêu thương trong các con cũng như sống có trách nhiệm với môi trường, với tự nhiên hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn