MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo hướng dẫn học viên tại lớp học nhảy miễn phí dành cho người khiếm thị. Ảnh: Phạm Đông

Lớp khiêu vũ đặc biệt cho người khiếm thị

Phạm Đông LDO | 06/07/2020 09:40
7 tháng qua, những người khiếm thị đã cùng nhau chia sẻ một niềm vui đặc biệt trong một lớp nhảy miễn phí tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lớp học nhận được sự hưởng ứng từ các hội viên, thậm chí nhiều học viên còn đạt giải cao trong cuộc thi nhảy.

Hướng dẫn học viên từng li từng tí

Đều đặn 8 giờ sáng thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, chị Phú Thị Hạnh (30 tuổi) lại đặt xe ôm từ Ngọc Khánh (Ba Đình) để di chuyển đến Hội người mù của quận Thanh Xuân. Suốt quãng đường di chuyển, chị vẫn lẩm nhẩm các giai điệu của bài Cha Cha Cha, đồng lời nhớ lại các động tác cô giáo đã hướng dẫn để đỡ quên.

Đúng 8h30, trong căn phòng rộng chừng 50m2, lớp dạy nhảy Zumba bắt đầu với 10 thành viên. Học viên lớn tuổi nhất nay đã ngoài 70, người trẻ nhất 30 tuổi. Tiếng nhạc cất lên, cô giáo Hồ Thị Nhung (28 tuổi, trú tại Nguyễn Tuân, Hà Nội) bật nhạc và yêu cầu các thành viên khởi động trước khi thực hiện vào bài tập chính. Do mới đăng ký lớp học nhảy được 2 tháng, chị Hạnh có phần lúng túng và chưa quen với các bài tập. Nhờ có sự hướng dẫn nhiệt tình của cô giáo và các thành viên trong lớp, chị Hạnh dần bắt nhịp được với các bài tập.

Là người khiếm thị bẩm sinh, mắt chỉ nhìn được khoảng 1/10, ngay từ bé, chị Hạnh đã tự ti và không dám tham gia các hoạt động xã hội. Từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để học cấp 3 cũng được gần 6 năm, sau đó xin làm ở một trung tâm tẩm quất của người khiếm thị trên đường Ngọc Khánh, khi biết Hội người mù quận Thanh Xuân có nhận hội viên ngoại tỉnh, chị Hạnh đến đăng ký.

Cũng là một thành viên trong lớp, chị Phạm Ngọc Dung (35 tuổi, Khương Trung, Thanh Xuân) cho biết, thời gian đầu khi tham gia lớp học nhảy có nhiều khó khăn vì không quan sát được. Do phải tập bằng trí nhớ nên chị phải tập nhiều để quen động tác và nhạc. Nhưng vì có niềm đam mê, cải thiện sức khỏe, cuộc sống khiến chị tự tin hơn. Mỗi khi có buổi tập, chị Dung rất háo hức để được giao lưu với mọi người và được học thêm các bài tập mới.

Ở phía cuối lớp học, anh Nguyễn Huy Cường (43 tuổi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) đang hướng dẫn từng li từng tí cho một học viên mới. Từ các động tác giơ tay, bước chân ở từng đoạn nhạc đều được anh thuộc làu. Ban đầu, ai cũng nghĩ anh Cường là trợ giảng của lớp học, nhưng anh cũng chỉ là một thành viên của lớp. Là một trong những người gắn bó với lớp nhảy ở những ngày đầu tiên, từ hoang mang, lo lắng vì không thể nhìn cô giáo hướng dẫn, sau vài buổi luyện tập, anh bắt đầu cảm nhận âm nhạc và sự phối hợp nhịp nhàng của tay chân.

“Phải mất đến 3 buổi để cả cô và trò tìm ra tiếng nói và cách dạy cho phù hợp bởi tất cả học viên chỉ có thể thực hiện theo lời cô nói. Thời gian đầu tập, người thì quay trái, người quay phải, bước cao bước thấp không đều nhau, chắc cô giáo cũng nản. Nhưng khi đã tìm ra hướng đi, chúng tôi không khó để thực hiện các bài tập khó hơn” - anh Cường nói.

Thành công bước đầu

Sau 6 tháng tập luyện, vào ngày 24.6 vừa qua, 4 thành viên của câu lạc bộ khiếm thị đã giành giải Nhất trong cuộc thi nhảy của cụm và đang tiếp tục thực hiện để tham gia cuộc thi cấp thành phố.

Là người bình thường nhưng thông cảm với người khiếm thị, chị Hồ Thị Nhung đề xuất mở lớp dạy nhảy Zumba với Hội người mù quận Thanh Xuân. Chị mong muốn mang đến đời sống tinh thần vui vẻ, lạc quan cho người khiếm thị, giúp họ trải nhiệm những điều chưa từng làm. Để việc dạy nhảy hiệu quả, chị Nhung đã tìm hiểu và nghiên cứu các phương pháp dạy phù hợp với người khiếm thị.

Dù đã chuẩn bị kỹ càng, nhưng khi bước vào thực tế, cả cô và trò đều rất bỡ ngỡ. Và phải đến buổi thứ 10, các học viên mới dần làm quen với lớp học, dưới sự uốn nắn qua từng động tác của cô giáo.

Theo lời chị Nhung, điều khó nhất làm sao để diễn đạt cho mọi người hiểu, bởi với các học viên đặc biệt chỉ có thể hướng dẫn qua giọng nói. Nhưng, điều khiến cô giáo trẻ cảm động chính là sự nhiệt tình và ham học của các học viên. Dù có nắng hay mưa, oi bức hay rét buốt, mọi người đều đến đúng giờ.

Với cô giáo Nhung và các thành viên trong lớp, những giờ dạy nhảy như một điều không thể thiếu trong cuộc sống, giúp họ vui vẻ và có thái độ sống tích cực hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân - cho hay, lớp dạy nhảy Zumba được mở từ ngày 10.12.2019, thời gian đầu chỉ có 5-6 hội viên đăng ký tham gia. Sau gần 7 tháng hoạt động, đã lên đến 12 người, lịch cố định vào các sáng thứ 3 và thứ 5 hằng tuần. Lớp học mong muốn giới thiệu đến học viên một phương pháp rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống thể chất và tinh thần của người khiếm thị; đồng thời nâng cao lòng tự tin, nghị lực của các bác, anh chị hội viên, góp phần tạo ra hình ảnh người khiếm thị năng động, chủ động hòa nhập cộng đồng xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn