MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gác lại hạnh phúc riêng, nhiều nữ bác sĩ, trưởng các trạm y tế xã ở vùng cao vẫn miệt mài bám bản, chăm sóc sức khỏe người dân. Ảnh: Phương Hồng

Lương y trên rẻo cao Tây Bắc: Những nữ bác sĩ nặng lòng với thôn bản

Khánh Linh LDO | 19/04/2023 10:36

Gác lại công việc gia đình, gửi con ở lại thành phố, những nữ bác sĩ - Trưởng trạm y tế các xã vùng cao, biên giới vẫn miệt mài bám bảm, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Gửi con nhỏ để ngược về vùng biên công tác

Sáng thứ 2 hàng tuần, khi màn sương mù còn phủ kín những cung đường đèo vắt ngang sườn núi, sau khi sửa soạn đồ và tạm biệt cô con gái nhỏ, bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương (SN 1975, trú tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) - Trưởng Trạm Y tế xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La - lại lên chiếc xe máy, tiếp tục hành trình công tác. 

Đều đặn 2 năm nay, kể từ khi được điều động về công tác tại xã vùng cao, biên giới Mường Và cũng là lúc nữ bác sĩ phải gửi cô con gái 8 tuổi về ở với ông bà ngoại ở huyện Mai Sơn. Mỗi chiều thứ 6, dù trời mưa gió, giá rét, sau khi hoàn thành công việc ở trạm, chị lại một mình vượt gần 150km để về thăm con.

Bác sĩ Nguyễn Thị Giáng Hương - Trưởng Trạm y tế xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Hương tâm sự: "Nhiều khi nhớ con lắm, thắt cả ruột cả gan lại, nhưng vì công việc, vì nhiệm vụ, bà con họ cần mình, nên mình lại phải đi".

Năm 2005, bác sĩ Giáng Hương về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp, sau đó luân chuyển sang Trung tâm Y tế huyện. Đến tháng 6.2021, chị được giao nhiệm vụ làm Trưởng Trạm Y tế xã Mường Và - một xã vùng biên với gần 100% người dân tộc thiểu số, đời sống xã hội còn rất nhiều khó khăn. 

"Từ khi con gái 4 tuổi, tôi đã phải gửi cháu về Thành phố Sơn La ở với bác vì mẹ bận đi học chuyên khoa I. Đến bây giờ là 4 năm, mọi công việc học hành, chăm sóc con mình cũng chỉ có thể nhờ ông bà ngoại và mọi người trong gia đình. 

Vì điều kiện công việc, bác sĩ Hương chỉ có thể ở bên cạnh con vào ngày cuối tuần. Ảnh: NVCC

Ngày trước, khi mới phải xa mẹ, mỗi cuối tuần mẹ về, cháu bám tôi không rời, mẹ đi một bước, con theo một bước, chỉ sợ mẹ đi làm. Kể cả đến bây giờ, mỗi sáng thứ 2 khi tôi phải quay lại trạm, cháu cũng bịn rịn không nỡ để mẹ đi. Nhưng mẹ giải thích rằng, vì công việc mẹ phải làm nên cháu cũng chỉ buồn chứ cũng không khóc hay mè nheo gì cả" - nữ Trưởng Trạm Y tế vùng biên tâm sự.

Ngày chủ nhật "cõng" vaccine ngược núi

Còn với nữ bác sĩ Dương Thị Huệ (SN 1982) - Trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lạnh, 15 năm trước, cô y sĩ trẻ rời quê nhà ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã ngược vùng biên nhận nhiệm vụ. Đến nay, nơi đây giống như quê hương thứ hai và bà con vùng cao là những người thân mà chị có thể chăm sóc, chia sẻ những lúc ốm đau. 

Bác sĩ Huệ tâm sự: "Khi mới lên năm 2008, đường đi ở đây chủ yếu còn là đường đất, nên phải đến mấy tháng, tôi mới về nhà một lần. Chưa kể, mỗi tháng, vào ngày chủ nhật, tôi vẫn phải đi đến các bản để tiêm chủng cho trẻ".

Đều đặn mỗi tháng một lần, các cán bộ y tế vùng cao phải vượt quãng đường đất hàng chục cây số, mang vaccine đến từng bản tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: NVCC

Theo nữ bác sĩ, xã Nậm Lạnh có 4 bản vùng cao, biên giới, bao gồm Nậm Lạnh, Hua Lạnh, Kéo Vai, Huổi Hịa. Bản xa nhất cách trung tâm xã đến gần 30km và đường đi hoàn toàn bằng đường đất. 

"Đặc biệt, ở đây, bà con dân tộc Mông chủ yếu theo đạo và trong tuần chỉ có duy nhất chủ nhật họ ở nhà. Những ngày còn lại từ sáng đến tối muộn, họ đi làm nương. Chính vì thế, cứ trong tuần thì khám, chữa bệnh cho bà con, đến chủ nhật lại hành trình "cõng" vaccine hàng chục cây số đường rừng.

Nhiều khi đến tận lán nương mà dân không đồng ý tiêm lại phải xách vaccine quay về. Thú thực nhiều lúc tôi cũng nản đấy, nhưng yêu ngành yêu nghề nên cứ cố gắng thôi" - nữ bác sĩ cười hiền.

Bác sĩ Dương Thị Huệ - Trưởng trạm Y tế xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp - khám sức khỏe cho người dân. Ảnh: NVCC

15 năm gắn bó cùng mảnh đất biên giới, chị Huệ đã bén duyên với một anh bộ đội người Phú Thọ và viết nên câu chuyện tình yêu giữa đại ngàn Tây Bắc.

"Ở trên này so với cuộc sống dưới kia thì vất vả hơn nhiều, nhưng ở đâu thì âu đấy, sống mãi rồi cũng quen. Mỗi lần mang vaccine đến tiêm tại các bản, cán bộ y tế sẽ kết hợp tuyên truyền để người dân hiểu rằng mỗi khi đau ốm, việc đầu tiên là cần đến trạm y tế. Đến nay, nhiều gia đình đã chủ động đưa con xuống trạm y tế xã để tiêm rồi đấy" - với giọng đầy tự hào, bác sĩ Huệ khoe với chúng tôi khi nhìn lại hành trình miệt mài hàng tháng "cõng" vaccine ngược núi.

Thông tin từ Sở Y tế Sơn La cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 204 trạm y tế cấp xã, phường, trong đó có đến 1/3 trong số đó có Trưởng trạm là nữ bác sĩ. 

"Có rất nhiều nữ bác sĩ phải xa gia đình, xa con lên vùng cao nhận nhiệm vụ. Dù khó khăn, thiệt thòi nhưng các chị em vẫn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng cao" - đại diện Sở Y tế Sơn La nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn