MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mái ấm tin cậy của những đứa trẻ mồ côi ở vùng biên giới

BẢO TRUNG LDO | 08/05/2023 06:06

Dù thiếu thốn sự chăm sóc và tình yêu thương của cha mẹ nhưng nhiều đứa trẻ mồ côi vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk vẫn đang từng ngày vượt lên những khó khăn, đi lên bằng sự cưu mang, đùm bọc của những người lính... và bằng chính sự cố gắng của chính bản thân mình.

Mới lên 6 tuổi, cậu bé Y Đăng Êban (thôn Thống Nhất, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk) đã mất bố và mẹ. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, thiếu thốn, Y Đăng và em trai phải chia nhau ra, mỗi người một nơi, sống với họ hàng. Y Đăng đang ở với cậu mợ.

Gặp chúng tôi do nhiều năm nay thiếu vắng tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ, Y Đăng cũng trở nên ít nói và khó gần hơn. Tiếp xúc một hồi lâu, phải cố gắng gần gũi, tạo sự thiện cảm Y Đăng mới chịu mở lời với chúng tôi.  

Khi được hỏi đi học vui hay không, Y Đăng vui vẻ trả lời: "Dạ có, em đi học về còn phụ mợ rửa bát, quét nhà. Nhưng thực sự em nhớ bố mẹ lắm !". 

Y Đăng Êban (áo trắng) cùng em ruột ăn cơm chung với nhau. Ảnh: Bảo Trung

Bữa cơm vắng cha mẹ với thức ăn đạm bạc nhưng Y Đăng ăn rất ngon lành, không cần ai hối thúc. Ăn xong, em lặng lẽ tự rửa bát, dọn dẹp.

Chị H Khuyên Ksơr (thôn Thống Nhất, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), là mợ của Y Đăng Ê Ban nói rằng: "Cháu nhiều ít nói lắm, chắc sợ người lạ hoặc đang nhớ bố mẹ. Thấy hoàn cảnh cháu như vậy, gia đình tôi cũng nhận cháu về nuôi. Tuy còn nghèo khó nhưng cũng cố gắng động viên cháu.

Cả nhà dù nghèo nhưng tình thương yêu dành cho cháu rất nhiều. Đôi khi biết cháu nhớ cha mẹ, tôi động viên đừng buồn, cố gắng học tập, ngoan ngoãn vì đã có mợ ở bên rồi". 

Hai anh em Y Đăng Êban cùng nhau rửa bát sau bữa cơm. Ảnh: Bảo Trung

Hay với trường hợp của Y Bứt Rya (SN 2001, Buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) do mất cha mẹ từ hồi tiểu học nên em phải nghỉ học từ lúc học cấp 2 vì hoàn cảnh quá khó khăn. Sau đó, Y Bứt đi làm thuê, phụ hồ tại các công trình xây dựng trên địa bàn để nuôi sống bản thân và phụ giúp anh chị.

Y Bứt Rya mất bố mẹ từ hồi học lớp 4 và phải bỏ học giữa chừng, đi làm thêm kiếm sống. Ảnh: Bảo Trung 

Y Bứt tâm sự rằng: "Em nhìn bạn bè có bố mẹ thật là vui vẻ, hạnh phúc. Còn em không có bố mẹ thì thấy rất buồn, tủi thân và ngại tiếp xúc với bạn bè, người lạ. Vì hoàn cảnh khó khăn nên em bỏ học, ở với anh chị, rồi cố gắng đi làm thuê tự nuôi sống bản thân.

Mỗi ngày em vẫn đang cố gắng, nỗ lực hết mình để trở thành người có ích cho xã hội. Mong muốn của em là mua được chiếc xe để đi làm mỗi ngày và kiếm thêm tiền để phụ thêm cho gia đình, sắm được quần áo mới".

Cuộc sống của  Y Bứt Rya đang ngày càng tốt hơn. Ảnh: Bảo Trung

Hạnh phúc của những đứa trẻ mồ côi vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk chỉ đơn giản là được sống, được lớn lên, đủ cơm ăn, áo mặc. Mồ côi, dù ở độ tuổi nào, cũng đều là một vết thương  lòng rất lớn đối với mỗi người.

Hiện, một số em như trường hợp của Y Đăng Êban hay Y Bứt Rya cũng được cưu mang, nhận nuôi bởi các tổ chức, cá nhân để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Thấu hiểu những hoàn cảnh của những trẻ em mồ côi, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”.

Chương trình giúp đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi gia đình thuộc hộ nghèo, mồ côi bố hoặc mẹ trên địa bàn 4 xã biên giới ở tỉnh Đắk Lắk. Riêng năm học 2021-2022, đơn vị trên nhận đỡ đầu 39 em học sinh và 4 “con nuôi”.

Theo Thượng tá Nguyễn Doãn Hòa - Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk: Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” nhằm giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa ở khu vực biên giới.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị phải chăm lo cho các cháu vì đây là những trường hợp thiệt thòi hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Các đồn biên phòng phải quan tâm các cháu từ đời sống vật chất và tinh thần, triển khai mua sắm quần áo, giày dép, trang thiết bị học tập cho các cháu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn