MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người trẻ mang tiếng hát đổi lấy nụ cười cho bệnh nhân ung thư ở Đà Nẵng. Ảnh: Thuỳ Trang

Mang tiếng hát, đổi nụ cười

Thuỳ Trang LDO | 02/06/2020 08:34
6 năm với 130 chương trình, “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” đã thu hút hàng nghìn lượt sinh viên, thanh niên tham các hoạt động tình nguyện để đổi lấy nụ cười của các bệnh nhân - những người đang chống chọi với bệnh tật tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Hát cho nhau nghe

Chiều chủ nhật cuối tháng 5, khoảng sân lớn của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng lại rộn ràng tiếng hát. Từ bệnh nhân nhí đến những cụ ông, cụ bà lớn tuổi đều kiên nhẫn ngồi suốt buổi chiều để nghe hết các tiết mục văn nghệ. Thi thoảng, các bệnh nhi vừa khoẻ lại sau đợt hoá trị lại rủ nhau ùa lên nhảy múa cùng các tình nguyện viên. Có em mệt quá nhưng cũng ham vui thì chạy đến, đưa tay với với. Một bạn trẻ thấy vậy liền nhấc bổng em lên rồi cả hai cùng lắc lư theo nhạc, tay và tay đan vào nhau xoay vòng vòng trong tiếng cười nắc nẻ của đứa trẻ.

Đó là những hình ảnh tại chương trình “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” lần thứ 130 của dự án tình nguyện “Một bức tranh một hy vọng” với sự tham gia hỗ trợ của gần 200 tình nguyện viên là các bạn trẻ, sinh viên đang học tập tại Đà Nẵng.

6 năm gắn bó với khoảng sân bệnh viện, các bạn trẻ vẫn luôn thay nhau khuấy động sân khấu, đi đến từng hàng ghế, nắm tay những bệnh nhân để mời gọi họ lắc lư theo nhạc. Nhiều bệnh nhân phải ngồi xe lăn nhưng nếu muốn lên sân khấu cũng sẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ. Bất ngờ thay, một cụ ông tay vẫn còn kim truyền, cẩn thận cầm hoa gửi tặng cho một ca sĩ. Đôi mắt họ gặp nhau, người thì xúc động, người thì biết ơn.

Rồi rất ngẫu hứng, người ca sĩ hỏi: “Chú có thể hát tặng mọi người một bài được không?”. Đáp lại câu hỏi ấy có khi là sự ngượng ngùng nhưng rồi những lời hát cũng được cất lên khiến mọi người vỗ tay cổ vũ nhiệt tình do sự cố gắng của những bệnh nhân khi gạt bỏ bệnh tật để đón lấy niềm vui.

Chính vì vậy, tên chương trình là “Hát cho bệnh nhân tôi nghe” nhưng thực sự, 130 số là những buổi chiều mọi người cùng nghe nhau hát, ca sĩ nhường sân khấu cho bệnh nhân. Đổi lại đó, chúng tôi nhìn thấy những nụ cười không bao giờ ngớt.

Đổi những nụ cười

Sau hai ca khúc gửi tặng khán giả, ông Phan Hương - một bệnh nhân lưu trú lâu năm tại bệnh viện - dù khá mệt nhưng ánh mắt vẫn dõi theo những bạn trẻ đang tiếp tục nhảy múa trên sân khấu.

“Có những hôm mệt lắm, nhưng thấy các cháu đến mời xuống nghe hát là tôi đi ngay. Cứ đến ngày chủ nhật là cả phòng bệnh ngóng chờ bóng dáng mấy đứa nhỏ lên thông báo đến giờ xuống sân. Có lúc, tôi hát xong thì về mệt quá, nằm thở nhưng mà vẫn vui. Những người vào đây toàn bệnh tật, đau đớn, đến nói chuyện có khi còn khó huống gì là cười nói, song cứ gặp mấy đứa trẻ này là thấy lòng phấn khởi” - ông Hương chia sẻ.

Không chỉ có chiều chủ nhật, vào các buổi tối hàng tuần, các bạn trẻ còn chia nhau mang đàn ghi ta lên từng phòng bệnh để ca hát cho mọi người nghe. Dành nhiều tâm sức cho dự án, vậy nhưng Vũ Như Quỳnh - tình nguyện viên chương trình - lại xem đây là nơi bản thân nhận lại nhiều hơn. “Chúng tôi gửi tặng các bệnh nhân sự lạc quan nhưng chính các cô chú, các em nhỏ cũng dạy những người trẻ bài học phải quý trọng cuộc đời”.

Quỳnh kể, niềm vui lớn nhất của mọi người là nhìn thấy cô chú lên sân khấu hát, cười với các bạn. Bởi giây phút đó, họ sẽ tạm quên đi nỗi đau bệnh tật. Thế nhưng, gắn bó với công việc này, các bạn trẻ khi dần kết thân với các cô chú bệnh nhân thì lại đối diện với sự chia ly. Nhiều bạn đã sốc khi nghe tin có cô chú hay em nhỏ nào đó mất.

Chính Quỳnh cũng từng có thời gian không dám lên bệnh viện, vì sợ phải đối diện với sự mất mát đó. Nhưng rồi, Quỳnh lại nghe những lời hỏi han từ nhiều cô chú bệnh nhân khác. “Tôi nhận ra vẫn còn rất nhiều người cần đến mình. Và chính vì nơi đây có quá nhiều nỗi đau cùng nước mắt nên tôi càng phải có mặt nhiều hơn để làm mọi cách, đổi lấy những nụ cười” - Quỳnh nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn