MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Máy phát gạo không cần chạm của học sinh Hậu Giang

TRẦN LƯU LDO | 17/07/2021 07:00
Không chỉ giúp những người khó khăn được hỗ trợ, sáng tạo của 2 em học sinh ở Hậu Giang còn giúp hạn chế việc tiếp xúc, rất phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 hiện nay…

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, cả nước xuất hiện rất nhiều máy “ATM gạo”, như một sự chia sẻ khó khăn, nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khổ. Hầu hết các máy này đều sử dụng các nút bấm hoặc bàn đạp để lấy gạo nên có sự tiếp xúc giữa nhiều người.

Từ thực tế này, em Đặng Hữu Khang và Nguyễn Lý Nhất Phi, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) đã nảy ra ý tưởng làm một chiếc máy phát gạo mà mọi người không phải chạm khi đến lấy gạo.

Từ tháng 4.2020, dưới sự hướng dẫn của thầy chủ nhiệm Huỳnh Diệu Sanh, nhóm học sinh bắt tay vào quá trình nghiên cứu. Sau khoảng nửa tháng mày mò sáng chế, vận hành thử và sửa lỗi, mô hình máy phát gạo tự động không chạm đã chính thức ra đời. Ngay sau đó, chiếc máy được đưa vào sử dụng lần đầu tiên để phục vụ cho việc phát gạo từ thiện tại một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Ngã Bảy.

Nhóm nghiên cứu vận hành thử nghiệm bộ phận cảm biến của mô hình máy phát gạo tự động không chạm. Ảnh: Đ.T.

Máy này có cấu tạo khá đơn giản, bao gồm bộ phận chứa gạo, ống dẫn gạo và bộ phận tiếp nhận, xử lý tín hiệu tự động. Bộ phận này được nhóm sử dụng cảm biến siêu âm, vi điều khiển Arduino nano, động cơ Servo và phần mềm Arduino IDE.

Sau khi tiếp nhận yêu cầu lấy gạo qua bộ phận cảm biến, tín hiệu sẽ được truyền đến vi mạch trung tâm để điều khiển van đóng, mở, đưa gạo từ bộ phận chứa đến với người nhận. Điểm ưu việt của máy là có thể điều chỉnh khoảng cách cảm biến và thời gian phát gạo theo yêu cầu của người sử dụng. Tùy vào thời gian được cài đặt mà mỗi lần lấy gạo, lượng gạo được phát ra sẽ dao động từ 1,5-7kg.

Với chiếc máy này, người lấy gạo không cần chạm trực tiếp vào nút bấm hay dùng bàn đạp mà vẫn có thể lấy được gạo một cách dễ dàng. Do đó, hạn chế được sự tiếp xúc khi có nhiều người cùng đến nhận gạo trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Sáng chế này đã nhận được 2 giải Ba cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố và cấp tỉnh. Ngoài ra còn đạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Ngã Bảy năm 2020.

Hiện tại, nhóm đã chế tạo, lắp đặt và đưa vào sử dụng được 5 máy trên địa bàn tỉnh. Với thiết kế nhỏ gọn, giá thành rẻ, dễ dàng vận chuyển, lắp đặt và sử dụng hơn so với các máy “ATM gạo” khác, chiếc máy này được dự đoán là sẽ ngày càng phổ biến hơn nữa. “Bằng sáng chế này, chúng em mong muốn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” và sự san sẻ của cộng đồng với nhau trong lúc khó khăn. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua, cuộc sống mọi người bình yên trở lại”, em Đặng Hữu Khang chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Hậu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi: “Sáng chế này đã khắc phục những điểm của những loại máy trước đó, để việc phát gạo được diễn ra an toàn, tiện lợi hơn. Mong rằng trong tương lai, sản phẩm này sẽ được nhân rộng để góp phần đóng góp cho xã hội, giúp bà con vơi bớt khó khăn trong dịch COVID-19”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn