MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Võ Quốc Thảo Nguyên quyết tâm tìm ra giải pháp giảm thiểu ống hút nhựa. Đồ hoạ: Hoài Anh

Nảy ra ý tưởng bảo vệ môi trường khi thấy ống hút nhựa mắc trong mũi rùa

HOÀI ANH - NGUYỄN HÀ LDO | 04/02/2021 07:00

Đau đớn và day dứt khi nhìn thấy hình ảnh một nhà nghiên cứu về biển lấy 1 chiếc ống hút nhựa mắc trong mũi một chú rùa ở Costa Rica, chị Võ Quốc Thảo Nguyên (Long An) và những người đồng hành đã nhen nhóm một ý tưởng là tìm các giải pháp từ thiên nhiên để thay thế ống hút nhựa.

Mỗi ngày, tại Mỹ có khoảng 5 triệu chiếc ống hút nhựa bị vứt bỏ. Mỗi năm cả thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Nhưng chỉ có 9% được tái chế.

Nhằm thay thế hoàn toàn ống hút nhựa, chị Thảo Nguyên đã nghiên cứu phương pháp xử lý cỏ bàng để sản xuất ra ống hút cỏ. Và từ đây, thương hiệu ống hút cỏ bàng - Green Joy ra đời.

"Câu chuyện của tôi bắt nguồn từ việc tôi xem clip một ống hút nhựa mắc kẹt trong mũi một chú rùa, khi đó tôi thấy đau đớn và nghĩ mình cần phải làm gì đó. Tuy nhiên một mình tôi thì không thể làm được gì nhiều, nên tôi nghĩ mình nên làm ra một sản phẩm nào đó để cả cộng đồng có thể sử dụng, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Và sản phẩm đó chính là ống hút cỏ", chị Nguyên nói.

Cỏ bàng (còn gọi là cây bàng, cây cói) thường mọc trên vùng đất nhiễm phèn ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ lâu, nông dân ở đây đã biết sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn này để chế tác thành các vật dụng thủ công mỹ nghệ như đan đệm, chiếu, giỏ xách, nón, lợp nhà…

Với giải pháp này, Green Joy còn giúp cho người nông dân miền Tây có thêm việc làm và thu nhập từ việc trồng cỏ. Nếu như trước đây, người dân bán một bó cỏ bàng tươi giá chỉ từ 10.000 – 12.000 đồng nhưng khi bán cho dự án của Thảo Nguyên thì mỗi bó sẽ được bán với giá 25.000 – 30.000 đồng.

Ngoài ra cỏ bàng còn là nguồn thức ăn quý giá cho loài sếu đầu đỏ, loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc trồng, sản xuất và bảo tồn các cánh đồng cỏ bàng giúp bà con nông dân giữ vững vùng đất nguyên thủy này và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và các sinh vật quý hiếm.

90% quy trình sản xuất ống hút cỏ của Green Joy được tự động hoá, sử dụng năng lượng mặt trời giúp giảm thiểu lượng tiêu thụ điện, nước và đặc biệt là lượng khí thải carbon ra môi trường ở mức thấp nhất. Quy trình tạo ra một ống hút cỏ phải trải qua các bước sau: Thu hoạch cỏ và bán cho cơ sở sản xuất, cắt thành ống nhỏ có chiều dài từ 18cm – 20 cm, thông ống, sấy và tiệt trùng. Ống hút cỏ tươi thì gói trong lá chuối còn ống hút cỏ khô thì gói bằng bao giấy.

Ống hút cỏ của Green Joy. Ảnh: NVCC

Khoảng thời gian đầu mới tiếp cận thị trường, ống hút cỏ của chị Nguyên không được chào đón. Tuy nhiên sau khoảng 2-3 tháng, mọi người bắt đầu tò mò về sản phẩm và đặt mua nhiều.

"Thời gian đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng ống hút cỏ. Tuy nhiên sau đó, chúng tôi cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, tổ chức phi chính phủ nên được nhiều người biết đến và ủng hộ", chị Nguyên tâm sự.

Mới đây, trong cuộc thi “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” trong khu vực ASEAN (EPPIC) 2020, Green Joy với sản phẩm ống hút cỏ đã là một trong 4 đội giành chiến thắng chung cuộc. Green Joy nhận được số vốn ban đầu lên tới 18.000 USD để áp dụng các giải pháp của họ ở Vịnh Hạ Long và đảo Samui, cũng như được tham gia chương trình đào tạo tăng tốc trong 9 tháng, và có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp đầu tư và các doanh nghiệp phát triển chủ chốt khác trong khu vực ASEAN.

Green Joy giành chiến thắng trong cuộc thi “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” trong khu vực ASEAN (EPPIC) 2020. Ảnh: Hoài Anh

"Chúng tôi đã có kế hoạch phát triển tại Hạ Long trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ làm việc với bộ ban ngành ở Hạ Long, cùng với Hội liên hiệp phụ nữ để đưa ống hút cỏ này ra vịnh Hạ Long – nơi đã cấm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Đặc biệt , chúng tôi sẽ bán cho chuỗi nhà hàng khách sạn, du thuyền xanh, đóng gói làm quà tặng cho bạn bè quốc tế", chị Thảo Nguyên tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn