MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Thanh Phong (áo đen) đang giúp người dân xã Thới Lai (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) chở nước ngọt về nhà. Ảnh: L.H

Nghĩa tình đầu sông, cuối sông

HỒNG LAN - SỞ HẠ LDO | 23/03/2020 11:39
Nếu không trực tiếp tham gia, thật khó để tin việc những đoàn xe rầm rập chuyển hàng nghìn can nước ngọt từ nơi đầu nguồn sông Cửu Long về tận cuối nguồn - nơi người dân đang khát khô vì hạn mặn - lại là thành quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi của chàng thanh niên chỉ mới 21 tuổi.

Tùy theo sức của mình

Là người sinh ra và lớn lên ở thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), nơi dòng Mê Kông chảy vào đất Việt trước khi chia 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu tạo thành dòng Cửu Long huyền thoại, Nguyễn Thanh Phong quá quen thuộc với việc quanh năm nước ngọt đầy ắp. Chàng thanh niên 21 tuổi không nghĩ rằng có nơi nào đó chung dòng Cửu Long này lại khan hiếm nước ngọt một cách khốc liệt cho đến khi trận hạn mặn lịch sử năm nay xảy đến.

Phong kể: Mỗi ngày, qua báo đài, rồi xem trên các trang mạng, hình ảnh những cánh đồng nứt nẻ, cảnh lúa và hoa màu chết khô, người dân vùng cuối nguồn phải chắt chiu vét từng ca nước ngọt khiến lòng anh không thể yên. Nhìn quanh đầy ắp nước ngọt, Phong nghĩ, nếu chuyển được nước ngọt nơi đầu nguồn về thì người dân vùng hạ sẽ được cứu.

Nghĩ là vậy, nhưng chuyện đưa nước vượt hàng trăm cây số để cứu ruộng, cứu vườn quả thật nằm ngoài khả năng của một thanh niên ở thị xã vùng biên này. Thôi thì, “tùy theo sức của mình”, không đủ sức cứu ruộng, cứu vườn, sao không thử chuyển những thùng nước về để cứu sinh kế cho bà con.

Nghĩ là làm, Phong gom góp tiền cá nhân, vận động thêm một ít, rồi đi mua 200 can nhựa loại 30 lít, bơm đầy nước ngọt từ nguồn nước máy của chính gia đình mình. Sau đó, Phong chủ động liên lạc với địa phương, rồi thuê phương tiện vận chuyển đưa nước đến với bà con đang trong đỉnh cao cơn khát vì hạn mặn.

Chuyến xe đầu tiên với bao nhiêu háo hức của chàng thanh niên nơi đầu nguồn sông Cửu Long đã vượt hơn 200km từ thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) về tận huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Thế nhưng, chỉ với 200 bình nước quả thật quá ít ỏi để phát cho người dân đang đau đáu chờ từng giọt nước ngọt. Phong đã ứa nước mắt khi phải nhìn cảnh người dân hăm hở đến rồi lại thất vọng vì không có nước mang về.

Khi nghĩa tình được lan tỏa

Sau chuyến đi đầu tiên, trở về quê, Phong mang tâm sự trĩu nặng về những gì tận mắt nhìn thấy chia sẻ với bạn bè, người thân với sự mong muốn tìm cách nào để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Điều Phong không ngờ là việc làm tự phát của mình lại nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Từ những thanh niên ở địa phương, những tài xế xe tải và nhiều mạnh thường quân khác cũng sẵn sàng chung tay hỗ trợ. Ngay lập tức, thêm 1.000 chiếc can nhựa, 13 thùng phuy lớn đã được huy động để chứa nước đưa về vùng hạn mặn. Các tài xế xe tải ở vùng biên này cũng sẵn lòng cùng Phong chở nước miễn phí đến với người dân.

Từ đó, cách mỗi ngày, đều đặn từ giữa trưa, những thanh niên ở thị xã vùng biên bắt đầu miệt mài bơm nước ngọt đầy những can nhựa, có hôm đến tận khuya. Trời chưa sáng, những chuyến chở đầy ắp nước ngọt hối hả nối đuôi nhau xuất phát để kịp đến với bà con đang ngóng chờ. Từ 4 thành viên ban đầu nay đã thành một đoàn với hơn 15 người. Từ hai chiếc xe tải nhỏ giờ đã thành những chiếc tải lớn. Mỗi chuyến, đoàn xe nghĩa tình này vận chuyển hàng chục nghìn lít nước ngọt đến với người dân nơi vùng đất nhiễm mặn.

Anh Lê Hoàng Minh (35 tuổi, làm công nhân tại một xí nghiệp tại địa phương) vừa thấy đoàn xe đã mừng rỡ ôm chầm mọi người: “Giờ này vàng bạc cũng không quý bằng, cảm ơn mọi người nhiều lắm!”.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thới Lai - cho biết: Địa phương 3 năm qua không bị ngập mặn nên cũng không có chuẩn bị trước. Năm nay tình hình diễn biến quá bất ngờ nên không trở tay kịp. “Chúng tôi rất mừng và cảm kích trước tấm lòng của các bạn trẻ đã đến đây cùng chung tay giúp đỡ địa phương. Mong các bạn sẽ còn đồng hành cùng địa phương cũng như những vùng khác trong thời gian hạn mặn này” - ông Hải chia sẻ.

Nói về thành quả này, Phong thật thà chia sẻ: “Tất cả là nhờ mọi người. Đến tận hôm nay, tôi cũng không tin mình lại có thể tạo được hiệu ứng lớn đến vậy”. Phong không tin, nhưng chúng tôi tin. Có trực tiếp theo chân đoàn vận chuyển nước đến tận xã Thới Lai, chứng kiến nét hân hoan, bất chấp mệt mỏi của từng thành viên, nhìn cử chỉ ân cần giúp người dân mang từng can nước về nhà, mới thấy rõ tấm lòng, nghĩa tình của những người “uống chung dòng nước” ở hai đầu con sông hiền hòa nhưng cũng nhiều bất trắc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn