MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân gói bánh mứt chuối gửi các chiến sĩ.Ảnh: vy thịnh

Người Cồn Sơn gói “Tết quê” gửi đến nơi biên ải

SƠN VY - NHẬT THỊNH LDO | 20/01/2021 08:49
Gần một tuần nay, căn nhà nhỏ của Má Năm ở Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) rộn ràng như thể nhà có đám tiệc. Rất đông bà con xứ cồn đến đây để cùng nhau làm các loại bánh mứt tết để đặc sản Tết quê kịp đến với các chiến sĩ đang ngày đêm giữ phòng tuyến biên giới tại Kiên Giang.

Những bếp lửa giữa dòng sông Hậu

Để có được những món quà Tết ý nghĩa đến tay các chiến sĩ canh giữ biên giới, bà con Cồn Sơn đã họp lại lấy ý kiến. Mọi người thống nhất cùng nhau làm ra những sản phẩm bánh mứt truyền thống ngày Tết bằng chính những nguyên liệu tự nhiên, có sẵn tại Cồn Sơn. Mà nói như lời Má Năm (tên gọi thân mật của bà Phan Thị Kim Phước, chủ nhà vườn Song Khánh) là chỉ có quà quê hương thì mới đong đầy hương vị Tết và các chiến sĩ ở xa mới có thể hưởng trọn không khí Tết quê nhà trong mỗi chiếc bánh, miếng mứt.

Để thực hiện ý tưởng này, bà con Cồn Sơn chia nhau trên tiêu chí “ai có gì góp nấy”. Nhà vườn Phương Mi của chị Hiền thì hùn đu đủ làm mứt; nhà vườn Công Minh thì nổi lửa nổ cốm rồi mang qua Song Khánh cùng ngào, cùng cán cốm, cắt cốm; nhà cô Ba Trang nhận phụ trách làm bánh in... Với cách thức như vậy, mỗi nhà một sản phẩm, bà con cùng nhau làm ra hàng loạt đặc sản mang đậm hương vị Tết quê từ bàn tay của các nghệ nhân nghề bánh mứt truyền thống ở Cồn Sơn như mứt dừa, mứt chuối, mứt gừng...

Cứ như vậy, bên bếp lửa bập bùng trong những căn nhà lá giữa dòng sông Hậu lúc nào cũng rộn vang tiếng cười nói. Mỗi người một công đoạn, nhanh tay nhanh chân. Thoáng chốc, những chiếc bánh, mẻ mứt nóng hổi thơm ngon được ra lò. Đến ngày 19.1, số lượng bánh mứt mà bà con Cồn Sơn làm ra cũng đã gần đạt so với mục tiêu ban đầu với hơn 100 hộp mứt đu đủ, 100 hộp mứt gừng, 100 hộp mứt chuối, 100 mẻ cốm nổ cùng hàng nghìn chiếc bánh in...

Bạn Cao Phương Vy, một tình nguyện viên cùng tham gia làm bánh mứt, chia sẻ: “Theo dõi thông tin qua báo đài, tôi rất xúc động trước hình ảnh các chiến sĩ đang ngày đêm không ngủ, ăn uống thiếu thốn để giữ gìn bình yên trên tuyến biên giới cho người dân hưởng một cái Tết trọn vẹn. Các anh đã hy sinh phần mình, thậm chí đến cái giao thừa chỉ có 1 lần trong năm cũng không về nhà được với gia đình. Vì vậy, tôi tham gia hoạt động này, với mong muốn tiếp thêm động lực cho các chiến sĩ và để các anh biết rằng nhân dân luôn hướng về các anh”.

Đau đáu hướng về biên ải

Giải thích về hoạt động này, chị Lê Thị Bé Bảy kể: “Từ hồi dịch đợt đầu, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, bà con Cồn Sơn đã gói 1.000 đòn bánh tét ra thăm các anh bộ đội tại các chốt gác ở An Giang và Kiên Giang. Mặc dù, đã biết trước hoàn cảnh canh gác biên giới của các chiến sĩ vô cùng khó khăn, nhưng khi đến tận nơi, chúng tôi vẫn rất bất ngờ khi chứng kiến các chiến sĩ phải sống trong môi trường rất khắc nghiệt…”.

Chị Bảy cho biết, sau chuyến đi ấy, người dân Cồn Sơn cứ đau đáu trong lòng. Ăn món gì ngon cũng nhớ đến các chiến sĩ. Khi ngày Tết cận kề, nghĩ đến các chiến sĩ vẫn ở đó để canh gác biên cương trong thời tiết lạnh giá, người dân Cồn Sơn quyết định cùng nhau tiếp tục làm chút gì đó để gửi đến các chiến sĩ, như một lời chúc, lời cảm ơn để tiếp thêm tinh thần cho các anh.

Hầu hết hộ dân tại Cồn Sơn đều phải duy trì nguồn thu nhập hằng ngày cho gia đình bằng hoạt động du lịch, nên để thực hiện được kế hoạch này, các gia đình phải sắp xếp làm mọi lúc, mọi nơi. Rảnh tay lúc nào là làm lúc đó.

Má Bảy (tên thân mật của bà Phạm Kim Ngân) nói: “Bà con không ngại thức khuya dậy sớm. Chỉ sợ không làm kịp quà Tết cho các chiến sĩ thôi. Nên hễ cứ rảnh giờ nào là làm giờ đó hoặc tranh thủ chế biến sẵn nguyên liệu, khi nào rảnh là bắt tay vào làm”. Má Năm cũng tiếp lời: “Rút kinh nghiệm lần trước mình gói 1.000 đòn bánh tét nhưng bánh này chỉ để được 5 ngày, lần này các loại bánh mứt ngày tết chúng tôi làm sử dụng được hơn 1 tháng”.

Tận mắt chứng kiến không khí khẩn trương, những giọt mồ hôi lăn dài trên má của người dân Cồn Sơn, mới thấy được tấm lòng, tình yêu thương của hậu phương dành cho tiền tuyến. Công việc tất bật nhưng ẩn chứa trong đó là niềm vui đồng hành, chia sẻ. Những gói bánh mứt nhỏ nhưng đã gói trọn Tết quê, gói trọn tấm lòng của người dân gửi ra biên ải. “Niềm mong mỏi nhỏ từ bà con Cồn Sơn đơn giản chỉ là vùng biên giới được yên bình, dịch bệnh COVID-19 chấm dứt để các chiến sĩ được về nhà, vì ai cũng cần có xuân như nhau. Ai cũng xứng đáng có được niềm vui sum vầy hạnh phúc” - lời tâm sự của Má Năm cũng là niềm mong mỏi chung của tất cả những người dân đang mong chờ một cái Tết yên bình, hạnh phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn