MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: M.H

Người gìn giữ kỷ vật làng nghề nhiếp ảnh

Vũ Quỳnh LDO | 09/06/2020 06:54

Hơn 3 năm qua, ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (bảo tàng đầu tiên do cộng đồng đầu tư xây dựng) vẫn cống hiến hết lòng mà không nhận về bất kỳ khoản lương nào.

Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là nơi ra đời bộ môn nhiếp ảnh sớm nhất của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm làng nghề (1892 - 2017), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được thành lập. Đây là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng đầu tư xây dựng để trưng bày, giới thiệu về truyền thống của một làng nghề nhiếp ảnh với tổng diện tích trưng bày gần 300m2. 

Bảo tàng kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với những chủ đề như phác họa biểu tượng phòng chụp ảnh xưa, ông tổ nghề nhiếp ảnh của làng, các hiệu ảnh xưa, ảnh chân dung, nghệ thuật chiếu sáng... Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng đã đón nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. 

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghiệp ảnh, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 18 tuổi ông lên đường đi bộ đội. Sau 20 năm, ông về công tác tại làng Lai Xá và được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Năm 2003, ông Nguyễn Văn Thắng được bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh. Các thành viên của CLB tích cực sáng tác và tham gia dự thi các cuộc thi và triển lãm ảnh của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Với mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống của nghề nhiếp ảnh, ông Nguyễn Văn Thắng đã ấp ủ xây dựng một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của nghề nhiếp ảnh tại chính làng Lai Xá. Trao đổi với Báo Lao Động, ông Thắng cho biết: “Chúng tôi có ý định xây dựng bảo tàng từ năm 2006 - 2007, nhưng khi đó còn nhiều ý định cần thực hiện trước như trường học, nhà truyền thống... nên đến năm 2014 mới quyết định khởi công bảo tàng”.

Đảm nhận vai trò giám đốc của bảo tàng, không chỉ đôn đốc công việc xây dựng, ông Thắng còn trực tiếp liên hệ và đến tận nhà từng người dân mong muốn được hiến tặng kỷ vật quý cho bảo tàng. Hành trình tìm kiếm tư liệu đã giúp ông đến được nhiều mảnh đất và gặp gỡ với những con người có chung niềm đam mê nhiếp ảnh. 

Cuối tháng 2.2020, ông Nguyễn Văn Thắng đã gặp vợ chồng chủ hiệu ảnh Mỹ Lai ở TPHCM để đón nhận 2 máy ảnh gỗ cổ mang về trưng bày tại bảo tàng. “Việc ủng hộ kỷ vật cho bảo tàng là một hoạt động hết sức ý nghĩa. Nhìn thấy mọi người tình nguyện ủng hộ, tôi cảm thấy rất mừng” - ông Thắng nói.

Suốt 3 năm cần mẫn, hoạt động hết mình vì Bảo tàng Nhiếp ảnh, ông không quản ngại bất cứ công việc nào. Từ tìm kiếm tư liệu, hiện vật, trưng bày và giới thiệu cho khách du lịch... ông đều bắt tay cùng làm với những người “đồng chí” của mình. Điểm đặc biệt ở vị giám đốc này chính là trong suốt thời gian hoạt động, ông không nhận bất kỳ khoản tiền nào. 

“Vì là bảo tàng do chính người trong thôn tổ chức thành lập và tự bỏ kinh phí nên những người điều hành cũng không có nguồn thu nhập nào. Có khi phải bỏ tiền để duy trì hoạt động. Nhưng với tình yêu với nghề nhiếp ảnh, bằng cái tâm trong việc gìn giữ nét đẹp truyền thống của xóm làng, tôi vẫn sẵn lòng ủng hộ và hết mình” - ông tâm sự. Ở tuổi ngoài 70, đáng lẽ ông Thắng được nghỉ ngơi và dành thời gian cho bản thân, gia đình thì vẫn cống hiến thầm lặng cho Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và luôn nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn