MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sơ Dung ân cần chỉ dạy, chăm sóc các em khiếm thị ở mái ấm. Ảnh: Mai Hương

Người mẹ hiền gieo mầm những ước mơ cho học sinh khiếm thị ở Đà Lạt

Mai Hương LDO | 20/03/2024 19:26

Dành phần lớn thời gian của cuộc đời gắn bó với trẻ khiếm thị, từ nhiều năm nay, các em nhỏ ở Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt đã coi sơ Nguyễn Thị Đức Dung như "người mẹ thứ hai" của mình.

"Con ơi! Con à"...

Kiên nhẫn và dịu dàng là những gì sơ Dung dành cho 21 em nhỏ ở Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt. Mỗi em là một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau, đa số các em đều không nhận được tình yêu thương từ gia đình và gặp những vấn đề về thị lực, trí tuệ.

Thế nhưng khi gặp nhau ở mái ấm, các em đều nhận được chung tình yêu thương vô bờ từ sơ Dung.

Sùng Văn Phùng (14 tuổi) và Sùng Văn Thắng (16 tuổi) là người H'Mông, bố mẹ bỏ đi, 2 anh em sống với bà nội 74 tuổi. Từ Đắk Nông, 2 anh em được người nhà gửi sang Đà Lạt học tại Mái ấm Khiếm thị.

Tuy không nhìn thấy rõ nhưng Sùng Văn Phùng lại có một trực giác rất tốt. Em cảm nhận được những gì đang diễn ra xung quanh mình và cảm nhận được cả tình yêu thương từ sơ Dung.

Ở Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt, mỗi em một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau. Ảnh: Mai Hương

Phùng kể: "Em chưa bao giờ được nhìn thấy bố mẹ mình. Em chỉ biết đến người mẹ là sơ Dung. Sơ luôn dịu dàng, nhẹ nhàng dạy em học chữ nổi và chưa bao giờ nặng lời mắng mỏ em. Lúc nào Sơ cũng vỗ về em và các bạn bằng câu nói "Con ơi! Con à!"".

Siu Ly là cô bé người dân tộc Lạch ở vùng núi Langbiang. Ba mẹ bỏ nhau, mẹ Siu Ly kết hôn với người khác và sắp sinh em bé. Siu Ly luôn mong ngóng được trở về nhà để bế em bé. Khi được hỏi Siu Ly có ước mơ gì, cô bé khẽ nói: "Con chỉ ước được trông em giúp mẹ".

Đôi mắt của Siu Ly không nhìn thấy rõ, vì thế, rất sợ việc học. Nhiều khi nhớ nhà, Siu Ly chỉ tha thẩn ngồi một mình. Thế nhưng, Siu Ly lại rất thương sơ Dung.

Cách sơ Dung vuốt má Siu Ly, chải tóc cho cô bé và ôm lấy em đã xóa đi mọi sự rụt rè, sợ hãi trong em. Ở mái ấm, với Siu Ly, sơ Dung là người thân duy nhất, người mà em có thể mở lòng ra và trò chuyện.

Kiên nhẫn và dịu dàng

Theo lời kể của sơ Dung, việc dạy dỗ các em nhỏ không hề dễ dàng. Nhất là với những trẻ bị tự kỷ, tăng động, chậm phát triển. Vì thế, chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn của các em chính là sự kiên nhẫn và dịu dàng.

"Không chỉ riêng tôi, mà các sơ ở đây lúc nào cũng nhẹ nhàng, tận tình chăm sóc bằng tất cả yêu thương. Nhờ tình yêu thương ấy, mà các em đã vượt qua được mặc cảm và tự tin, trưởng thành hơn. Có nhiều em đã trưởng thành, theo học ngành Sư phạm và Tâm lý trên TP Hồ Chí Minh quay trở về giúp chúng tôi dạy các em học" - sơ Dung bộc bạch.

Thấu hiểu được hoàn cảnh của các em nên các sơ ở đây như những người thầy, người mẹ thứ hai, luôn sát cánh, đồng hành cùng các em.

Ở mái ấm, với Siu Ly, sơ Dung là người thân duy nhất. Ảnh: Mai Hương

Không chỉ kiên nhẫn dạy các em học chữ nổi mà các sơ còn hướng dẫn các em chơi nhạc, học bài học cuộc sống, bài học về lòng biết ơn.

Nhìn Siu Ly đang lần mò viết chữ với ánh mắt ấm áp, sơ Dung nói tiếp: "Lúc nào cô bé cũng muốn về trông em cho mẹ nhưng tôi phải khuyên bảo Siu Ly rằng phải học giỏi mới phụ giúp được mẹ.

Dù đã nói nhiều lần nhưng không thay đổi được suy nghĩ của cô bé. Do đó mà tình yêu thương và sự kiên nhẫn là điều mà chúng tôi phải dành cho các em nhiều nhất".

Hơn 18 năm qua, Mái ấm Khiếm thị Đà Lạt đã nuôi dưỡng biết bao những mảnh đời khiếm khuyết. Nơi đây không chỉ che chở, mà còn gieo mầm cho những ước mơ, tiếp thêm sức mạnh cho các em khiếm thị tự tin khẳng định bản thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn