MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhật ký "công tác đầu đời" của SV Y khoa: Lấy mẫu tới 12h đêm ở tâm dịch

KHÁNH LINH LDO | 13/07/2021 15:30

Hơn 1 tháng nay, sinh viên của một số trường y tại TPHCM như: ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TPHCM... đã nỗ lực tham gia công tác hỗ trợ lấy mẫu, điều tra và truy vết tại tâm dịch TPHCM. Những bác sĩ tương lai đã thể hiện niềm say mê và trách nhiệm với nghề, cống hiến thời gian và sức lực không kể ngày đêm với hy vọng góp sức mình để sớm khống chế dịch bệnh.

Nóng, mệt, lấy mẫu tới đêm... nhưng không ai bỏ cuộc

"Số điểm tham gia lấy mẫu nhiều đến mức không thể nhớ hết, mỗi ngày 1-2 điểm, có những lúc tụi em lấy mẫu ở những ổ dịch lớn như Bình Tân, Hóc Môn, Gò Vấp, chợ Bình Điền... Trường kêu gọi đến đâu, tụi em đăng ký tham gia hỗ trợ đến đó. Lúc đầu, tụi em chỉ tham gia công tác nhập liệu, chuẩn bị ống đựng mẫu phẩm, nhưng sau khi làm được hơn 1 tháng, được tập huấn thì hiện nay tụi em được tham gia lấy mẫu và truy vết.

Mỗi ngày, ca sáng bắt đầu từ 7h đến chiều, nếu làm ca chiều thì tại một số nơi cao điểm hoặc nguy cơ rất cao khiến lượng người đông hơn thì có lúc 12h hoặc 1h đêm tụi em mới về nhà" - Đó là lịch trình hàng ngày của bạn Nguyễn Thị Vân Anh (sinh viên năm 2 trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) và có lẽ cũng là lịch trình chung của đa số sinh viên y khoa tham gia công tác tình nguyện chống dịch tại TPHCM trong những ngày vừa qua.

Nhóm các bạn sinh viên phụ trách nhập liệu.

Khoảng thời gian nhiều ổ dịch mới xuất hiện ở các quận, huyện gồm Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh... phải lấy hàng trăm nghìn mẫu/ngày, con số cao hơn rất nhiều so với Gò Vấp trước đó. Những ngày đó thời tiết nắng chang chang và những điểm lấy mẫu ngoài trời giữa trưa khiến Vân Anh và đồng đội khó quên được.

"Có những ngày rất mệt và rất nóng, mồ hôi ướt đẫm luôn, lúc đó tụi em chỉ muốn được kết thúc công việc để về nhà thôi. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình, tụi em lại động viên nhau "thôi ráng lên còn chút xíu nữa là xong rồi". Tụi em dù được phép xin về sớm, nhưng ai cũng cố gắng ở lại làm cùng nhau không có ai về sớm bao giờ hết, đi cùng đi và về cũng cùng về chung"- Vân Anh kể lại.

Dù mệt mỏi nhưng vẫn luôn lạc quan.

"Có những lúc các anh chị trong đoàn thấy em mệt quá rồi nói em ngồi nghỉ ngơi xíu đi để anh chị làm nốt phần việc này cho. Lúc đó em thấy trong lòng vui, cảm động và rất trân trọng tình cảm của mọi người. Lúc đó trong người như được truyền thêm sức lực nên em lại cố gắng"- Vân Anh nói.

Sợ, lo lắng... nếu nói không là nói "xạo"

Cô sinh viên năm 2 tuy dũng cảm xung phong đi tình nguyện nhưng có những lúc về tới nhà, em cũng ôm trong lòng những lo lắng không chia sẻ cùng ai. "Bình thường thì không sao nhưng trong giai đoạn này, mỗi khi em về tới nhà mà thấy trong người mệt mệt ở đâu là em cứ sợ rồi tự hỏi liệu có phải triệu chứng của COVID-19 không".

"Nhưng sau, em tự nói với mình là không sao đâu, mình luôn cẩn thận giữ gìn cho bản thân và còn được kiểm tra xét nghiệm nhanh COVID-19 mỗi ngày nữa nên chắc sẽ ổn thôi"- Vân Anh kể lại về những giây phút trở về nhà trong mệt mỏi.

Cũng giống như người đồng đội của mình, chàng sinh viên năm cuối ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Công Danh chia sẻ: "Nếu em nói không sợ lây bệnh thì chắc chắn là nói xạo. Nhưng sợ là cần thiết để bản thân luôn biết phải nâng cao sự cảnh giác về vấn đề an toàn cho bản thân và mọi người khi tham gia hoạt động chống dịch".

Những kỉ niệm rất "đời" và khó quên

"Trong thời gian em thực hiện truy vết, có một anh có kết quả dương tính. Anh này được đưa đi điều trị ở bệnh viện dã chiến nhưng rất lo lắng vì con trai anh mới 10 tháng tuổi hiện cũng đang có biểu hiện sốt. Anh không ngừng hỏi vợ con đang ở nhà sẽ được cách li ở đâu? Bé sốt thì làm thế nào?

Thế là em và anh bác sĩ trưởng đội hình liền video call cho chị, sau khi anh bác sĩ đánh giá sắc mặt bé thấy vẫn ổn thì em hướng dẫn mẹ lau mát đúng cách và cho bé uống hạ sốt đúng giờ. May sao, ngày hôm sau bé hết sốt và nhận được kết quả PCR âm tính. Mẹ bé cảm ơn tụi em vì đã ở bên hỗ trợ chị trong đêm ấy"! - Công Danh kể lại. Em nói rằng lúc đó bản thân thấy rất vui vì những lúc hệ thống y tế quá tải, mình có thể góp những kiến thức để giúp đỡ bệnh nhân COVID-19 và gia đình họ.

Những chữ ghi tên của các bạn trên áo để “nhận diện” vì ai ai cũng mặc kín và giống y hệt nhau.

"Mặc dù rất nhớ nhà, nhớ những bữa cơm gia đình nhưng em biết rằng công việc mình đang làm sẽ góp sức giúp thành phố mình dập dịch, giúp số ca bệnh sẽ giảm đi, giúp cho nhiều người đang phải cách ly, nhiều người đang phải chống dịch (như em) được trở về với bữa cơm gia đình như họ đã từng trước khi dịch bệnh bùng phát! Vậy nên, em cố gắng!

Em mong rằng mọi người nếu còn đang được cùng người thân có cơ hội này thì hãy cố gắng thực hiện tốt Chỉ thị 16 của thành phố. Mong rằng với sự đồng lòng của toàn thành phố, chúng ta sẽ sớm vượt qua được dịch bệnh này" - Chàng sinh viên năm cuối Công Danh chia sẻ với quyết tâm tràn đầy.

Bức hình kỉ niệm sau một ngày dài làm việc của nhóm vì hôm sau các bạn sẽ được chia nhóm và địa điểm khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn