MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều người đi hiến máu từ sáng sớm mùng 1 Tết

Minh Ánh LDO | 12/02/2021 12:01

Như một việc làm tốt đẹp đầu năm mới, mùng 1 Tết, các bác sĩ cùng nhiều người dân đã đến hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội).

Trong những ngày gần Tết nguyên đán, nhu cầu về lượng máu dự trữ trong điều trị và khám chữa bệnh tăng cao ở các cơ sở y tế. Việc tham gia hiến máu không chỉ giúp cung cấp lượng máu dự trữ cần thiết trong thời gian này, mà còn đem đến những tác động tích cực cho sức khỏe của người tham gia hiến máu. Hơn nữa, nhiều người quan niệm hiến máu sẽ đem lại nhiều may mắn trong năm mới.
7 giờ 30 phút, ngày mùng 1 Tết, các bác sĩ trực tại viện cùng nhiều người dân đã đến tham gia hiến máu, với hi vọng những giọt máu của mình sẽ có thể cứu được nhiều người khác.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trực đêm giao thừa, các bác sĩ lại tiếp tục truyền đi những giọt máu đào của mình.
Đến hiến máu còn nhiều bạn trẻ khác, phần đa cũng là người thân của các bác sĩ.
Đã trải qua 138 lần hiến máu nhân đạo, ông Trúc, người đàn ông có dáng người nhỏ lại tiếp tục hành trình nhân đạo của mình vào ngày mùng 1 Tết đầu năm. Là một người có lượng tiểu cầu cao nên ông "thường xuyên đi hiến, bình thường thì tháng đi một lần nếu sức khỏe đủ yêu cầu", ông tâm sự.
Gặp gỡ đầu năm, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW đã đến mừng tuổi các tình nguyện viên tham gia hiến máu.
Theo ông Khánh, “Đợt bùng phát này của dịch COVID-19 khác với những lần trước với sự lây lan nhanh chóng trên diện rộng. Chính vì vậy, các biện pháp phòng và chống dịch cũng được chúng ta làm mạnh mẽ và cương quyết hơn những lần trước rất nhiều; người dân có tâm lý lo ngại dịch lan rộng và sợ phải cách ly khi Tết đang đến rất gần. Mặc dù Viện đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đảm bảo nguồn máu dự trữ cho dịp Tết, kế hoạch tiếp nhận máu ban đầu có thể lên đến 2.000 đơn vị máu mỗi ngày; nhưng dịch bùng phát là sự cố không lường trước được”.
Bác sĩ Trần Hải Long, khoa Hóa Sinh, đã hiến máu được khoảng 10 lần. Tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, vì không có nhiều bệnh nhân nên anh đã quyết định hiến tiểu cầu. Nói về khác biệt giữa hiến máu và hiến tiểu cầu, anh Long cho hay tiểu cầu cần yêu cầu cao hơn khi tiếp nhận, thời gian 'sống' của tiểu cầu cũng ngắn hơn và thời gian hiến tiểu cầu lâu hơn máu.
Việc hiến tiểu cầu cũng yêu cầu quy trình xét nghiệm nghiêm ngặt hơn, thời gian nằm chờ cũng lâu hơn nên thường 'kén' người hiến. Do những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 nên lượng tiểu cầu cũng yêu cầu nhiều hơn.
Sau khi hiến máu, tiểu cầu, các tình nguyện viên sẽ được bổ sung các dưỡng chất bằng bánh, sữa và một gói quà cảm ơn từ viện khi ra về.
Mỗi người hiến máu xong sẽ được cấp một giấy chứng nhận. Viện cũng cung cấp một phần mềm trên smart phone để người hiến theo dõi được tình trạng sức khỏe cũng như nắm được số lần hiến máu, ngày hiến và lượng máu đã hiến.
“Hiến máu nhân đạo” là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Vì vậy chúng ta không thể thờ ơ trước những khó khăn của đất nước. Hằng ngày, hằng giờ, trên cả nước chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn