MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bệnh nhân phong bị nằm liệt giường, mọi sinh hoạt được các hộ lý hỗ trợ hoàn toàn. Ảnh: Lương Hà

Những bông hồng gần 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong ở Thái Bình

Lương Hà LDO | 22/10/2023 06:00

Thái Bình - Suốt mấy chục năm ròng rã, những "bông hồng" nơi Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn (nay là Bệnh viện da liễu Thái Bình) vẫn hết lòng, không ngại khó, ngại khổ sống cùng để chăm sóc cho những người bệnh.

Sinh ra và lớn lên ở làng phong, hơn ai hết hộ lý Bùi Thị Lan (55 tuổi), hiện công tác tại Trại phong Văn Môn thấu hiểu được những nỗi đau và khó khăn mà các bệnh nhân phong phải trải qua.

"Vốn sinh ra và lớn lên tại làng phong, cả tuổi thơ tôi được chứng kiến những nỗi đau về thể xác và tinh thần của các bệnh nhân phong nên tôi quyết định làm và gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân phong ở trại phong Văn Môn. Đến nay tôi đã làm công việc này được gần 30 năm rồi" - hộ lý Lan chia sẻ.

Hộ lý Bùi Thị Lan trò chuyện, chia sẻ với người bệnh. Ảnh: Lương Hà

Hộ lý Lan bám trụ với công việc ở khu nhà liệt (khu điều trị cho bệnh nhân phong nặng của Bệnh viện da liễu Thái Bình) từ những ngày đầu, điều mà không phải ai cũng làm được. Bởi có nhiều người phải xin bỏ dở giữa chừng vì không chịu nổi áp lực từ công việc đặc thù và cả từ dư luận.

Cũng giống với bà Lan, hộ lý Trần Thị Nhàn (49 tuổi) cũng bỏ công việc nhàn nhã bên ngoài, lựa chọn vào làm việc tại viện phong. Hộ lý Nhàn tâm sự: "Lúc bắt đầu, gia đình, người thân không đồng ý cho tôi làm công việc này. Thậm chí có người còn tránh xa vì sợ bị lây nhiễm, có người còn nghĩ tôi bị giời đày nên mới chọn làm việc như vậy... Nhưng sự thật không phải như vậy, tôi đến với bệnh nhân phong chỉ vì một chữ “Thương” mà thôi!"

Ở Trại phong Văn Môn, ngoài hộ lý Lan và Nhàn còn có những "bông hồng" khác cũng như họ, đều không ngại tiếp xúc với các vết thương trên người bệnh nhân. Họ làm tất cả những công việc thường ngày như tắm giặt, thay quần áo, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ... cho người bệnh bằng tấm chân tình. Để giờ đây, những người hộ lý này đều trở nên thân thiết, gần gũi với người bệnh.

Hộ lý Trần Thị Nhàn thay quần áo, tắm giặt cho bệnh nhân. Ảnh: Lương Hà

Hộ lý Nhàn kể: "Người già, họ nhiều khi cũng thất thường, giận dỗi chẳng khác gì một đứa trẻ nhỏ nên chúng tôi ở đây cần vỗ về, an ủi. Bên cạnh đó, bệnh phong lại không giống như những căn bệnh khác. Người bệnh phong ngoài gánh chịu nỗi đau bệnh tật còn gánh chịu thêm nỗi cô đơn, xa lánh của người đời nên họ rất khao khát tình cảm gia đình, mong có người tâm sự sẻ chia nên chúng tôi cũng chính là những người làm công việc đó".

Cụ Nguyễn Thị Nhật (104 tuổi, quê Hà Tây cũ) được hộ lý Nhàn chăm sóc suốt 25 năm nay. Ảnh: Lương Hà

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng khoa điều trị chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và dinh dưỡng (Bệnh viện da liễu Thái Bình) - cho biết: "Ở khu nhà liệt toàn là những bệnh nhân nặng đều một tay các chị hộ lý, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc. Hầu hết, họ đều là những người đã có thâm niên làm việc trên 20 năm, gắn bó với bệnh nhân như gia đình. Thậm chí, những hộ lý này đã thuộc nằm lòng từng thói quen sở thích của mỗi người, họ như một chiếc đồng hồ báo thức, một tờ giấy nhớ nhắc lịch cho từng bữa ăn, giờ uống thuốc của bệnh nhân hằng ngày".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn