MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những câu chuyện ít biết bên trong nhà dưỡng lão 400 lượng vàng ở Sóc Trăng

Văn Sỹ LDO | 12/08/2022 06:00

Sóc Trăng - Nhà dưỡng lão Đức Thọ - Nhà dưỡng lão tư nhân ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) được một người dân ở địa phương bỏ ra số tiền tương đương 400 lượng vàng (thời điểm năm 2007) để xây dựng. Người đàn ông giàu lòng nhân ái ấy là ông Ngô Đoan Thanh. Mặc dù sau khi đưa vào hoạt động không lâu người sáng lập đã qua đời vì bệnh, nhưng hơn một thập kỷ qua, nơi đây vẫn duy trì hoạt động và đã cưu mang hơn 200 cụ già có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khó khăn, khốn khổ… được nương tựa ở tuổi xế chiều. 

Vô nhà dưỡng lão vì bị em gái kêu ra đường ăn xin

Ông T.V.H, 73 tuổi, quê ở Vĩnh Long vào nương tựa nhà dưỡng lão Đức Thọ gần nửa năm nay vì không còn đường nào khác. Không vợ con, lúc còn khỏe ông đi làm mướn đủ nghề để tự lo cho bản thân. Đến khi cha mẹ qua đời, ông chuyển về ở cùng với người em gái. Tuy nhiên, ông thường hay ốm đau, bệnh tật, trở thành gánh nặng cho gia đình em gái và kể từ đó ông bị đối xử tệ.

Ông T.V.H bị tai nạn mất một chân nên phải ngồi xe lăn và được Ban quản lý, nhân viên Nhà dưỡng lão Đức Thọ chăm sóc chu đáo. Ảnh: Văn Sỹ

Đỉnh điểm nhất làm cho ông quyết định về ở Nhà dưỡng lão Đức Thọ là sau khi xảy ra tai nạn bị mất một chân, người em gái của ông đã thẳng thừng hắt hủi.

“Nhiều lần tôi bị em gái nặng nhẹ, nhưng tôi biết cũng là lỗi do mình nên cũng cam chịu để sống. Nhưng tới lúc tôi bị cụt một chân, em gái tôi càng nặng nhẹ nhiều hơn và kêu tôi như vầy rồi thì hãy ra đường ăn xin đi. Cũng may mắn có nhà dưỡng lão này để tôi không bơ vơ, cô độc. Vào đây tôi được chăm sóc, nuôi dưỡng rất tốt và thấy yên tâm rồi”, ông H chia sẻ.

Hơn 60 năm “ở đợ”, cuối đời nương tựa nhà dưỡng lão

Một buổi chiều đầu tháng 8 bầu trời khá u ám, những hạt mưa cũng bắt đầu lâm râm, nhưng trong khuôn viên của nhà dưỡng lão Đức Thọ, chúng tôi bắt gặp một số cụ bà đang cặm cụi nhổ cỏ, người thì lau nhà. Đến bắt chuyện cùng các cô, chú, chúng tôi vừa quý trọng tinh thần siêng năng của các cụ, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng, xót xa khi biết về những hoàn cảnh của họ.

Cụ Sơn Thị Tại (áo xanh) cùng các cụ chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường khuôn viên của nhà dưỡng lão. Ảnh: Văn Sỹ

Vừa nhổ cỏ vừa trò chuyện, cụ Sơn Thị Tại, 84 tuổi, quê ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi vào đây cũng hơn 2 năm rồi. Ở đây ấm áp lắm, như ngôi nhà chung vậy. Năm 18 tuổi tôi lên TPHCM “ở đợ” cho người ta tới năm 82 tuổi dịch COVID-19 bùng phát và cũng lớn tuổi, mắt yếu, tay run nên tôi xin nghỉ để về quê ở.

Tôi không có chồng con, một thân một mình, cha mẹ mất mấy chục năm trước, căn nhà nhỏ cũ kỹ để cho người em tôi ở. Nhưng nhà cậu ấy cũng nghèo lo cho vợ chồng, con cái còn không xong nên tôi xin vào ở đây. Già rồi, không làm được việc nặng, tôi phụ nhổ cỏ, quét sân, lau nhà tiếp các cô nhân viên cho vui”, cụ Tại rưng rưng chia sẻ.

Nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo như người thân

Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng Ban quản lý Nhà dưỡng lão Đức Thọ cho biết, bên cạnh chăm lo 2 bữa ăn chính chu đáo, cơ sở còn lo các bữa ăn phụ và nhiều món ăn vặt như bánh ngọt, trái cây, bún, hủ tiếu… để giúp các cụ dùng ngon miệng.

Ban quản lý nhà dưỡng lão chuẩn bị bữa ăn vặt cho các cụ. Ảnh: Văn Sỹ
Những bữa ăn vặt của các cụ thường là các loại trái cây, bánh ngọt. Ảnh: Văn Sỹ

“Ở đây chúng tôi không xem các cụ như người lạ đến nương tựa mà xem các cụ như cha, mẹ, cô, chú là những người thân trong gia đình chẳng may có hoàn cảnh neo đơn vào ở chung trong một mái nhà này. Đó cũng là tâm nguyện của anh Ngô Đoan Thanh - người sáng lập nhà dưỡng lão này mà chúng tôi tiếp tục thực hiện thật tốt.

Trung bình, mỗi tháng, nhà dưỡng lão Đức Thọ chi phí khoảng hơn 30 triệu đồng để duy trì các hoạt động. Số tiền trên chủ yếu được người con trai của ông Ngô Đoan Thanh ủng hộ. Ngoài ra, còn có sự đóng góp một phần của các nhà hảo tâm”, ông Khánh cho biết.

Mặc dù lớn tuổi và sức khỏe không tốt, nhưng các cụ rất siêng năng trong chia sẻ công việc cùng các nhân viên của nhà dưỡng lão. Ảnh: Văn Sỹ

“Bên cạnh chăm lo ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe của các cụ ở nhà dưỡng lão cũng được quan tâm kịp thời, chu đáo. UBND thị xã Vĩnh Châu cấp thẻ BHYT cho các cụ, đồng thời chỉ đạo y, bác sĩ của trung tâm y tế, trạm y tế phường thường xuyên kiểm tra, thăm khám sức khỏe để bảo vệ, chăm sóc kịp thời”, ông Thái Trung Nghĩa, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn