MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe cứu thương được lau chùi sạch sẽ để sẵn sàng phục vụ người dân. Ảnh: N.Tri

Những chuyến xe 0 đồng giúp nhiều người vượt lằn ranh sinh tử

NGUYỄN TRI LDO | 31/07/2020 06:51
5 năm nay, hình ảnh những chiếc xe chuyển viện từ thiện đã trở nên quen thuộc với người dân ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nhờ những chuyến xe 0 đồng này mà biết bao người vượt qua được lằn ranh sinh tử.

Xin tiền mua ôtô làm từ thiện

Uống ngụm nước trà, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thơ - Chủ tịch Hội Đông y, đồng thời là thành viên ban điều hành xe chuyển viện từ thiện thị xã Bình Minh - chia sẻ: “Vào những ngày trong tuần, anh em không có thời gian thảnh thơi mà uống trà đâu!”.

Bác sĩ Thơ có dáng người nhỏ, cả sự nghiệp của ông luôn gắn với công việc cứu người miễn phí ở Hội Đông y. Cũng trong quá trình khám bệnh, ông nghe không ít bệnh nhân bày tỏ nguyện vọng có được xe chuyển viện miễn phí.

“Ngày xưa, người ta đi bệnh viện đa số bằng xe ba gác. Sau này, nhà nước cấm lưu thông loại xe này nên bà con gặp khó. Rồi đến năm 2015, ban điều hành xe chuyển viện từ thiện chính thức ra đời để giúp đỡ bà con” - bác sĩ Thơ nói.

Ngồi kế bên, ông Trần Văn Thuận - thủ quỹ của ban điều hành xe chuyển viện từ thiện - tiếp lời: “Ngày đầu thành lập, mọi việc khó khăn lắm. Mấy tháng trời, anh em trong ban điều hành phải ê mặt đi xin tiền để mua xe. Đi xin tiền khổ không tả được, mình vận động nếu người ta hiểu thì ủng hộ, có nhà không cho còn nói này nói nọ”.

Nhưng bỏ qua tất cả, số tiền đi vận động cũng đủ để mua được xe với giá hơn 600 triệu đồng. Từ đó, xe chuyển viện từ thiện chính thức lăn bánh. Đến năm 2017, do nhu cầu quá lớn từ người bệnh, các thành viên trong ban điều hành lại “ê mặt tập 2” khi tiếp tục đi vận động để mua chiếc xe thứ hai, có giá hơn 700 triệu đồng.

Hiện, ban điều hành xe chuyển viện từ thiện có hơn 30 người, với nhiều thành phần khác nhau từ cựu chiến binh, tài xế, nhà giáo cho đến cả những người nông dân. Người lớn tuổi nhất cũng đã bước sang 71, nhỏ nhất thì dưới 20 tuổi. Tất cả đều được đào tạo qua lớp sơ cấp cứu và luân phiên trực 24/24, trực luôn những ngày lễ, tết.

Ban điều hành do ông Phan Văn Viên (71 tuổi) làm trưởng ban. Ông Viên tham gia ban điều hành ngay thuở đầu thành lập. Hiện giờ, sức khỏe tuy đã yếu dần nhưng vẫn hăng hái đi “vác tù hàng tổng”.

“Bất cứ giờ nào, hễ có ai gọi nhờ giúp đỡ là chúng tôi phục vụ chu đáo và miễn phí, từ người dân địa phương bị bệnh, hay cả người xứ khác qua đây mà gặp nạn. Đặc biệt, số tiền mà hàng tháng chúng tôi đi vận động từ người dân, cũng như được các mạnh thường quân ủng hộ, đều được công khai và chỉ phục vụ cho việc chuyên chở bệnh nhân” - ông Sáu nói.

Những chuyến đi nhớ đời

Trung bình mỗi tháng, xe chuyển viện từ thiện chuyển hơn 400 lượt bệnh nhân. Riêng trong năm 2019, hơn 3.000 ca bệnh được chuyển miễn phí.

Anh Lê Như Hoàng (sinh năm 1983, một nhà giáo trường THPT Tân Quới, huyện Bình Tân) cho hay, làm công việc “chạy đua với tử thần” vô cùng cực. Có lúc đêm hôm khuya khoắt, chạy xong một ca cấp cứu đường dài là anh em lả người vì đói và mệt. Nhưng cứ nghĩ đến việc giúp đỡ được cho ai đó, tự nhiên mọi người lại khỏe lên.

“Mấy năm trước, con tôi bị bệnh và được các bác ở đây giúp đỡ. Rồi từ đó, tôi thấy việc làm hay cho xã hội nên đến tham gia. Mỗi tuần, tôi sẽ có 2 đêm trực ở ban điều hành, còn những lúc rảnh thì đến coi phụ giúp thêm với các bác” - anh Hoàng nói.

Còn ông Trần Văn Thuận nhớ lại: “Cách đây không lâu, có một bà cụ quê Phú Quốc hấp hối, dù nhà giàu lắm nhưng mua vé máy bay thì bị từ chối. Đi xe khách thì không có bình oxy, người nhà mới nhờ xe của chúng tôi. Đợt đó đi trúng bão, chúng tôi phải ngủ nhờ nhà người quen rồi bão tan mới quay về. Nói đến kỷ niệm thì nhiều lắm, từ việc nhờ chở đi cấp cứu, chở thi hài về nhà, ra đường thấy tai nạn cũng chở. Rồi thậm chí có ca, chạy tới nơi thì người say rượu bảo… chở tôi về nhà nhưng vẫn được phục vụ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn