MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những “hiệp sĩ” từ trong thôn làng

Phương Nhiên LDO | 26/06/2022 07:14

Lâm Đồng - Người là nông dân, người là thợ mộc, có người chỉ buôn bán nhỏ hoặc đi làm thuê, nhưng khi địa bàn xảy ra bất cứ vấn đề gì, từ tai nạn giao thông, cháy nhà, bão lũ…, họ lại ngay lập tức có mặt cứu giúp mà không đòi hỏi một đồng thù lao.

Góp tiền, góp sức để tham gia đội

Họ là đội Phòng cháy chữa cháy - Cứu hộ cứu nạn (PCCC - CHCN) tự quản xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, thành lập từ cuối năm 2019. 

Hiện đội có 18 thành viên đều là những người dân đang sinh sống trên địa bàn xã.  

Đây là lực lượng cơ sở được nhân rộng mô hình từ đội PCCC – CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương đã được đánh giá rất cao về ý nghĩa và hiệu quả hoạt động.

Đại úy Nguyễn Như Trung - Phó Trưởng Công an xã Đạ Nhim, cũng là người đã tham mưu với UBND xã thành lập Đội PCCC – CHCN tự quản cho biết:

“Vì đặc thù xã Đạ Nhim có Quốc lộ 27C - tuyến giao thông huyết mạch nối liền vùng biển miền Trung với Đà Lạt - nên lưu lượng xe cộ qua lại rất đông. Đường nhiều khúc cua, đèo dốc nên thường xảy ra tai nạn, đặc biệt là vào mùa cao điểm du lịch. 

Nhưng nếu chờ xe cấp cứu chạy 35km từ Đà Lạt vào thì mất quá nhiều thời gian; tương tự, là khi xảy ra hoả hoạn hay những tình huống cấp thiết khác, vậy nên, việc thành lập đội PCCC – CHCN tự quản tại xã là hết sức thiết thực”. 

Được biết, ngoài 2 chiếc xe chuyên dụng (1 chiếc xe bồn để chữa cháy, 1 chiếc xe cứu thương) đội được ủng hộ thì toàn bộ trang thiết bị phục vụ công tác PCCC, CHCN khác như đồ bảo hộ, bình ôxi, xăng xe đi lại… đều là tiền túi của anh em trong đội cùng nhau đóng góp. 

Ông Trần Mạnh Sơn - Đội trưởng cho biết: “Anh em chúng tôi dù không dư dả gì nhưng không ai nề hà chuyện đóng góp kinh phí. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, người không có thì góp công, góp sức…”.

  Các trang thiết bị, đồ bảo hộ của đội hầu hết đều do anh em tự đóng góp.

Ông Trần Danh Hiền – thành viên mới tham gia vào đội được gần 1 tháng, là một lao động tự do. Hàng ngày, ông được ai thuê gì làm nấy, từ thợ hồ đến làm vườn… thu nhập dù ít nhưng cũng đủ phụ giúp nuôi gia đình.

Chia sẻ lý do gia nhập đội, ông cho biết: “Một lần, tôi đang ngồi ăn cùng anh em thì có vụ tai nạn. Thấy mọi người chẳng ngần ngại buông cả bát đũa chạy đi, thực lòng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Vậy nên tôi xin gia nhập đội vì cũng muốn làm được nhiều việc ý nghĩa như thế”.

“4 tự, 4 tại, 2 không”

 Đội PCCC – CHCN tự quản xã Đạ Nhim cũng được xây dựng dựa trên tinh thần mô hình 442 giống như đội PCCC – CHCN tự quản của thị trấn Lạc Dương. Tinh thần 442 được giải thích là “4 tự, 4 tại, 2 không”.

Trong đó, “4 tự” là: tự nguyện tham gia, tự xây dựng, tự đầu tư và tự quản lý; “4 tại” là: chỉ huy tại chỗ, con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, học tập tại chỗ; còn “2 không” là: không sợ nguy hiểm, không đòi thù lao.

Với tinh thần đó, kể từ khi thành lập, đội PCCC – CHCN tự quản xã Đạ Nhim đã phối hợp cùng đội PCCC – CHCN tự quản thị trấn Lạc Dương tham gia cứu giúp, hỗ trợ rất nhiều các vụ tai nạn, hỏa hoạn, ngập lụt... trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu vực 3 xã Đạ Nhim, Đạ Chais, Đạ Sar. 

  Đội phối hợp cùng lực lượng CHCN thị trấn Lạc Dương tham gia cứu 4 du khách bị lũ cuốn hồi cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Vụ - đội phó của đội chia sẻ về vụ chữa cháy đáng nhớ nhất của mình: “Lúc đội mới thành lập được ít tháng, trang thiết bị chưa có một cái gì thì địa bàn xảy ra một vụ cháy nhà. Tôi nhắn lên nhóm báo anh em rồi lao ngay đến hiện trường. Tôi vẫn nhớ anh Sơn còn ôm theo 3 bình cứu hoả mini của nhà chạy đến. 

Thực ra khi đó, mấy anh em cũng chỉ làm theo bản năng thôi, cứ vớ được gì có thể dập lửa là dùng. Khoảng 30 phút sau cũng chữa cháy thành công, may mắn không thương vong về người và tài sản cũng bị thiệt hại rất ít. Anh em nhìn nhau vừa mừng, vừa xúc động”.

Gần 3 năm hoạt động, đội PCCC – CHCN tự quản xã đã giúp chữa thành công ít nhất 3 vụ cháy và cứu hộ hàng trăm vụ tai nạn giao thông; hỗ trợ chính quyền tuyên truyền, vận động bà con trồng cây gây rừng, an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự…

Đặc biệt, đội được thành lập chưa lâu thì dịch COVID-19 bùng phát. Xã Đạ Nhim khi đó có 2 cơ sở cách ly. Đội đã phối hợp cùng với các ban ngành đoàn thể, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, đã không quản ngày đêm túc trực, vận chuyển người bệnh đến - đi các khu cách ly, phun khử khuẩn, vận chuyển nhu yếu phẩm cho bà con…

 Thành viên của đội tham gia phun khử khuẩn trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Lâm Đồng.

Ông Trịnh Xuân Tự - Bí thư xã Đạ Nhim đánh giá rất cao về ý nghĩa cũng như hiệu quả hoạt động của đội: “Nhờ có đội cơ động 24/7 nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại rất nhiều về cả người và của. Vậy nên chính quyền xã luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho đội hết mình”.

Đến nay, đội vẫn không ngừng kiện toàn cả về lực lượng, trang thiết bị cũng như kỹ năng cần thiết. Các thành viên trong đội đều được tập huấn để nắm chắc các kỹ thuật sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy…

Dù với số phương tiện ít ỏi hiện có và đội vẫn còn thiếu rất nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, thế nhưng, với tinh thần muốn giúp người, giúp đời, những “hiệp sĩ” từ trong thôn làng ấy vẫn cứ hết mình lao đi mà chẳng hề toan tính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn