MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những "hiệp sĩ" xuyên màn đêm cứu người trên đất Tây Đô

TRẦN LƯU LDO | 14/03/2021 07:00

Bản thân từng bị nạn, và được người khác cứu giúp, sau này, khi đi trên đường, nhìn thấy nhiều người bị nạn rất thương tâm, nhưng lại không có ai giúp đỡ. Từ đó, anh Nguyễn Trọng Hiếu (TP.Cần Thơ) cùng những người bạn kêu gọi và thành lập đội cứu hộ giao thông với mong muốn cứu người, trả ơn đời…

Xuyên đêm để cứu người

Một buổi tối ngày 3.2, anh Võ Hữu Linh đang lưu thông trên Quốc lộ 91 (TP.Cần Thơ) không may gặp tai nạn nằm bất động hơn 1 giờ đồng hồ trên đường. Nhận được tin báo, các thành viên Đội cứu hộ, cứu nạn giao thông tình nguyện TP.Cần Thơ (SOS) tức tốc đến hiện trường. Sau khi tiến hành sơ cứu, đội đã vận động một xe bán tải qua đường giúp đưa anh Linh vào bệnh viện.

Anh Võ Thành Luân (cháu của anh Linh) cho biết: “Đêm đó, dượng của tôi bị thương rất nặng, gãy nhiều xương đòn và nhiều chấn thương khác. Nếu không có đội cứu hộ giao thông đến kịp thời, có lẽ bây giờ dượng tôi đã rất nguy kịch, thậm chí là mất mạng. Hiện dượng tôi đã được chuyển lên TP.HCM để điều trị; vừa được bác sĩ tiến hành mổ lắp xương đòn, sức khỏe đã ổn định. Gia đình tôi rất mang ơn đội cứu hộ giao thông, nếu không có họ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Đó là một trong số hàng ngàn trường hợp bị tai nạn hoặc sự cố giao thông được Đội SOS giúp đỡ trong hơn 3 năm qua. Nguyễn Trọng Hiếu, đội phó Đội SOS kể: "Bản thân anh từng bị tai nạn trên đường và được những người tốt bụng giúp đỡ. Sau này, khi đi trên đường, nhìn thấy nhiều người bị nạn, nhưng lại không có ai giúp đỡ, rất thương tâm. Từ đó, anh cùng những người bạn đứng ra kêu gọi và thành lập đội cứu hộ với mong muốn giúp người, trả ơn đời".

Nguyễn Trọng Hiếu, đội phó Đội SOS Cần Thơ. Ảnh: TR.L.

Đội hoạt động từ năm 2017 với khoảng 8-10 thành viên tham gia ban đầu. Mỗi tuần, các thành viên tự bỏ tiền túi ra từ 100-200 nghìn đồng/người để mua ruột xe, vật dụng sơ cứu, vá xe giúp những người đi đường xa bị cán đinh, thủng bánh hoặc sự cố xe hư.

Hoạt động của đội lúc đầu chỉ hướng đến việc sửa, vá xe miễn phí cho người đi đường. Nhưng khi lao vào đêm khuya thì phát hiện có quá nhiều sự cố liên quan đến sức khoẻ và tính mạng con người, nên đã bổ sung thêm hoạt động cứu nạn… Từ đó, đội vận động những người trẻ tuổi có sức khoẻ và có chuyên môn y tế cùng tham gia. Hầu hết các em đều thuộc thế hệ 9X, với tinh thần tự nguyện chấp nhận làm không công…

Tình người trong hoạn nạn

Nếu tính đủ trong hơn 3 năm qua, đã có hơn một nghìn vụ việc mà đội tham gia tương trợ cứu giúp. Ngoài hỗ trợ sự cố giao thông, còn có nhiều trường hợp khẩn cấp (chiếm khoảng 20%) liên quan đến sinh mạng. Những trường hợp này, đội thường chia ra thành ba nhóm: Một nhóm nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện; Một nhóm liên lạc với gia đình nạn nhân; Một nhóm ở lại canh giữ hiện trường tai nạn. Chưa liên lạc được với gia đình là cả đội luân phiên túc trực bên giường bệnh chờ bàn giao lại cho người nhà của nạn nhân.

Các thành viên Đội SOS Cần Thơ tiến hành sơ cứu, giúp đỡ một thanh niên bị tai nạn trên cầu Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Ảnh: P.V.

Anh Nguyễn Tấn Phong (phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) kể: Những hôm đi trên đường, anh đã 2 lần chứng kiến đội cứu hộ tham gia cứu người bị nạn.

“Ban đầu tôi cứ ngỡ họ ở bệnh viện hoặc là người của cơ quan chức năng, nhưng sau này tìm hiểu mới biết họ là những người dân bình thường. Rất nhiều trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng, người qua kẻ lại đều bỏ mặc, họ sợ vạ lây hoặc dính vào những chuyện không mong muốn. Chính vì vậy, việc làm của đội cứu hộ không chỉ mang tính nhân văn mà còn chứng minh rằng xã hội vẫn còn đó những con người thiện nguyện” - anh Phong cho biết.

Theo đội phó Nguyễn Trọng Hiếu, có những người được đội cứu, sau đó họ đến xin vào đội luôn. Đến nay, đội đã hoạt động hơn 3 năm và được sự yêu mến cũng như tin tưởng của người dân. "Chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ gây mất uy tín, ảnh hưởng đến cả đội. Nên dù là làm từ thiện, việc tuyển người cũng rất chặt chẽ. Thường chúng tôi cho người đó đi theo đội từ 3-6 tháng, nếu không có vấn đề gì mới tuyển vào chính thức”, đội phó Nguyễn Trọng Hiếu nói.

Bất kỳ ai gặp nạn gọi vào đường dây nóng của đội sẽ có người đến ứng cứu. Định kỳ, vào buổi tối thứ hai, thứ tư và thứ sáu, các thành viên sẽ dùng xe máy đi tuần trên các tuyến đường vắng hoặc thường xuyên xảy ra tai nạn để tìm giúp những người bị nạn. Do có nhiều thành phần xấu, lợi dụng người bị nạn để trục lợi; nên đội đã chủ động ghi lại hình ảnh, và phát trực tiếp trên mạng xã hội, để tránh bị cộng đồng hiểu lầm.

Khi màn đêm buông xuống, những người trong đội SOS lại họp mặt, ăn uống, rồi thay đồng phục lên đường. Cứ thế, họ thay phiên nhau bám giữ những ngã đường phủ bóng đêm của đất Tây Đô. Họ gọi đó là một công việc, nhưng lại mong mỗi đêm mình sẽ thất nghiệp, bởi khi đó, xã hội sẽ bớt đi một hoàn cảnh hoạn nạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn