MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Niềm hạnh phúc của những người phụ nữ khiếm thị

PHƯƠNG ANH LDO | 18/04/2023 10:27

Nhiều ngày gần đây, những người phụ nữ khiếm thị tại quận Thanh Xuân cảm thấy vô cùng hồi hộp và háo hức khi họ đã có thêm niềm vui mới trong cuộc sống. 

Từ khi mới sinh ra, chị Lê Thị Xuyến (quê Hà Nam) đã không may nhiễm chất độc màu da cam do di truyền từ người bố. Chị Xuyến kể, gần 40 năm cuộc đời, chị chưa bao giờ được nhìn thấy màu sắc của những đồ vật xung quanh.

Chị luôn sống khép kín, ngại giao tiếp với mọi người ngay từ khi còn nhỏ. Bởi, chị cảm thấy tự ti về chính bản thân. 

“Tôi khi đó với tôi của hiện tại, đó hoàn toàn là 2 con người khác nhau” - chị Xuyến cho biết. 

Thế nhưng, từ khi được vào Hội Người mù quận Thanh Xuân, chị Xuyến được các thành viên trong hội và anh Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân động viên, tạo điều kiện để chị được học tập và hòa nhập với mọi người.

Chị Xuyến phấn khởi kể: “Điều tuyệt vời nhất là tôi có thể tự kiếm sống bằng đôi bàn tay của mình với nghề xoa bóp bấm huyệt tại một trung tâm trên đường Láng. Công việc ấy đã giúp tôi có được nguồn thu nhập tương đối ổn định để lo cho cuộc sống hàng ngày của bản thân”.

Bà Nguyễn Thị Thanh (58 tuổi, Hà Nội). Ảnh: Phương Anh

Tương tự như chị Xuyến, bà Nguyễn Thị Thanh (58 tuổi, Hà Nội) từng cảm thấy hụt hẫng khi đôi mắt của bà có dấu hiệu mờ dần và sau đó là mất thị lực hoàn toàn.

Bà Thanh tâm sự: “Tôi đã từng suy sụp đến mức không còn động lực để sống tiếp. Vì tự ti nên tôi luôn ở trong nhà, không bao giờ đi ra đường, ai đến nhà thăm cũng không muốn nói chuyện”.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 2020, khi bà Thanh biết và gia nhập Hội Người mù quận Thanh Xuân. Bà đã được học cách sử dụng điện thoại thông minh, học lớp xoa bóp bấm huyệt, học chữ nổi, học ngoại ngữ... Gần đây nhất, bà Thanh đã hoàn thành khóa học cho lớp tin học - văn phòng kéo dài trong 3 tháng. 

“Hội Người mù quận Thanh Xuân đã tạo điều kiện cho tôi rất nhiều. Khi tham gia các lớp học, tôi không chỉ học miễn phí mà còn được nhận trợ cấp tiền đi lại. Đó là một sự khích lệ tinh thần to lớn đối với cá nhân tôi” - bà Thanh nói thêm.

Mới đây, Hội Người mù quận Thanh Xuân kết hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân đã ra mắt Chi hội Phụ nữ khiếm thị. Khi được thông báo, bà Thanh cũng như chị Xuyến cùng nhiều hội viên nữ khác rất hạnh phúc vì đã được quan tâm chu đáo.

Bà Thanh bộc bạch: “Tôi thực sự cảm thấy biết ơn khi Chi hội Phụ nữ khiếm thị quận Thanh Xuân đã chính thức thành lập. Tôi tin rằng trong thời gian tới, những người phụ nữ khiếm thị như chúng tôi sẽ học hỏi thêm được nhiều điều từ những chị em phụ nữ khác". 

 Chương trình đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ các cấp lãnh đạo cùng người dân. Ảnh: Phương Anh

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong nhiều năm qua, cuộc sống của người khiếm thị đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người khiếm thị, đặc biệt là đối tượng trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Nữ Phó chủ tịch quận đã đánh giá cao Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Người mù quận đã ra mắt Chi hội Phụ nữ khiếm thị trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ quận. 

Bà Hòa nhấn mạnh: “Đây là một sự kiện rất ý nghĩa, nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhân ái và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Thủ đô: Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, bà Trịnh Thị Hồng Thủy - Quận ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân cho hay, sẽ nỗ lực tạo điều kiện tối đa để chị em phụ nữ có thêm cơ hội được giao lưu.

“Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chương trình khác nhau để những người phụ nữ khiếm thị có cơ hội trải nghiệm ở các sân khấu văn nghệ cũng như học hỏi thêm nhiều điều để phát triển kinh tế” - chị Thủy chia sẻ. 

This browser does not support the video element.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân chia sẻ về kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Video: Phương Anh 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn