MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nơi giúp đỡ nhiều trẻ em khuyết tật đổi đời ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 18/04/2023 14:00

Đắk Lắk - Nhờ sự yêu nghề, tận tâm với công việc, những thầy cô giáo ở Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân đã giúp nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tái hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Em Rơ Mah Bom (nguyên quán ở tỉnh Kon Tum) nhớ lại: "Năm 2019, em bắt đầu vào Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, khi đã 16 tuổi em mới được học chữ và được dạy âm nhạc. Vì bị khiếm thị nên em thính giác khá tốt và thích được học nhạc. Hồi ở quê nhà em không biết gì hết, chỉ có theo dì ruột đi làm nương rẫy".

Các em nhỏ sinh hoạt ở Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân. Ảnh: Bảo Trung

Ngày vào trung tâm, Bom là trẻ mồ côi, bị khiếm thị, lại là người đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Kon Tum. Ngày đến Đắk Lắk, Bom không biết tiếng Kinh, cũng chẳng biết chọn hướng đi nào cho tương lai phía trước.

Thế nhưng, cuộc sống khó khăn của Bom đã đổi thay sau 4 năm được thầy cô ở trung tâm nói trên dạy dỗ. Giờ đây, Bom đã có một cuộc sống tự lập hơn, có ước mơ, hoài bão của riêng mình và một tương lai rộng mở đang chờ em ở phía trước. Ước mơ lớn nhất của em là được làm một thầy giáo dạy nhạc.

Các em được dạy dỗ, chăm sóc cẩn thận. Ảnh: Bảo Trung

Không chỉ Bom mà đã có hàng trăm học sinh khuyết tật tại Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân đã và đang được thắp sáng ước mơ.

Một trường hợp đặc biệt khác là anh Lê Hoàng Gia Hưng - người vốn là cựu học sinh khiếm thị, từng được nuôi dưỡng, học tập tại đây. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng chuyên ngành âm nhạc, anh Hưng trở về để dạy nhạc cho các em khiếm thị. Nơi đây cũng giúp thầy có một gia đình với vợ và con.

Anh Lê Hoàng Gia Hưng tâm sự: "Khi tôi hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ như mình ngày trước thì trong lòng dấy lên một cảm xúc khó tả, rất khó nói thành lời.

Ngày xưa khi vào đây có nhiều người đồng hành xung quanh, không ai bỏ lại, thầy cô hỗ trợ dạy dỗ tận tâm nên tôi mới có ngày hôm nay. Giờ đây, bản thân tôi tự hào khi lại góp phần nhỏ bé giúp trung tâm phát triển, cưu mang nhiều hoàn cảnh khó khăn của xã hội".

Anh Lê Hoàng Gia Hưng dạy nhạc cho các em nhỏ. Ảnh: Bảo Trung

Hơn 20 năm qua, những thầy cô giáo tại Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân đã luôn nỗ lực để gieo hy vọng cho trẻ em khiếm khuyết tự tin vươn lên trong cuộc sống. Nhiều em nhỏ dưới sự dạy dỗ, chăm sóc ân cần của các giáo viên ở đây đã nên người, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Bà Bùi Thị Ngọc Liên - Phụ trách Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân, cho rằng: "Khi chúng tôi yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ các em bằng cả tấm lòng thì mới mang lại hạnh phúc cho các em được.

Nhiều trẻ có tính cách rất nhạy cảm nên phải có cách dạy dỗ phù hợp. Tôi quan niệm rằng, trước hết phải yêu thương các giáo viên đã, sau đó, họ mới yêu thương lại các em nhỏ trong trung tâm. Khi đó mới tạo lập được sự bền vững, hoạt động tốt cho đơn vị và bất chấp việc vẫn còn đó nhiều sự khó khăn, thiếu thốn".

Theo bà Liên, mỗi lớp học ở trung tâm đều có đặc thù riêng vì tuỳ theo các dạng khiếm khuyết mà có phương pháp giảng dạy phù hợp. Điển hình đối với lớp cho trẻ em khiếm thính và một số khiếm khuyết khác, để các em ngồi trật tự, lên bảng làm bài tập, cô giáo phải rất nỗ lực.

Hơn 20 năm qua, nơi này đã giúp hàng trăm trẻ em học tập, hướng nghiệp và hòa nhập xã hội, viết tiếp cuộc đời mình.

Được biết, trung tâm nói trên đang có gần 200 trẻ em bị khuyết tật như khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ... đến từ nhiều tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, An Giang.... Trong đó, khoảng 50% em có hoàn cảnh khó khăn, từ kinh tế, hoàn cảnh gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn