MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống người dân tái định cư đã có nhiều đổi thay. Ảnh: Nguyễn Tùng

Nơi người dân bản Mông nhường đất cho thuỷ điện

Nguyễn Tùng LDO | 09/02/2023 08:47

Để xây dựng thuỷ điện Tuyên Quang, hàng chục nghìn người dân vùng lòng hồ Na Hang đã phải di chuyển đến nơi ở mới. Giờ đây, cuộc sống của họ đã có nhiều đổi thay.

Khu tái định cư Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là một trong nhiều điểm tái định cư của dự án thuỷ điện Tuyên Quang. Năm 2004, 63 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông chuyển từ xã Thuý Loan (Na Hang) về đây với nhiều khó khăn thiếu thốn.

Những ngày đầu năm 2023, trở lại khu tái định cư Mỹ Hoa, PV nhận thấy một cuộc sống mới đang hiện hữu. Sau 20 năm, bản Mông đã khác, những đồi chè xanh mướt, nếp nhà cứng vững thay cho những căn lán tạm bợ miền sơn cước trước kia. Nhiều gia đình phát triển kinh tế còn tốt hơn cả dân bản địa.

Gia đình chị Lý Thị Thào chuyển từ xã Thuý Loan về khu tái định cư Mỹ Hoa cuối năm 2004. Những ngày đầu về nơi ở mới với nhiều nỗi lo. Trong khi 3 sào đất ruộng được giao, cấy lúa chỉ đủ ăn không dám nghĩ đến chuyện tích luỹ. Cuộc sống khó khăn đủ đường.

Bằng số tiền đền bù đất, năm 2006, chị Thào mua thêm 1,2 hécta đồi chè, đầu tư máy xay xát để phục vụ người dân trong khu tái định cư. Những phụ phẩm trong quá trình xay xát cũng được tận dụng để chăn nuôi và đây là nguồn chính để phát triển kinh tế.

“Mỗi năm 3 lứa lợn, trừ chi phí cũng mang lại hơn 50 triệu đồng. Rồi việc xay xát thóc gạo thuê cho bà con trong thôn xóm cũng giúp đủ ăn hằng ngày. Cuộc sống bây giờ khác trước” - chị Thào chia sẻ.

Gần đó, Lý A Cậu được xem là hộ gia đình trẻ phát triển kinh tế tốt trong thôn. Hiện nay, A Cậu đang nuôi 8 con bò sinh sản và thịt, trồng 10 sào chè, 2 sào ruộng. Nhờ chịu khó mà nhiều năm nay, cả nhà đã có của ăn của để.

Lý A Cậu tâm sự: “Ngày còn sống ở Na Hang, cuộc sống khó khăn lắm, đất cấy lúa ít, nghề làm thêm ra tiền thì càng không. Đói nghèo gần như quanh năm, bây giờ nhờ nuôi bò, trồng chè mà mỗi năm lại sắm thêm được cái tivi, cái xe máy”.

Từ 63 hộ gia đình ban đầu, đến nay, thôn tái định cư đã tăng lên 83 hộ với gần 500 nhân khẩu, 100% hộ gia đình trong thôn đều trồng chè và chăn nuôi. Cả thôn có hơn 40ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt trên 1.400 tấn/năm, tổng doanh thu đạt gần 6 tỉ đồng.

Ông Lý Văn Huynh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng - cho biết, những ngày đầu về nơi ở mới cuộc sống của đồng bào Mông ở thôn Mỹ Hoa còn nhiều khó khăn. Nhưng nay thì gần như đã thay da đổi thịt, cả thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân năm 2022 đạt trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn