MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên Nguyễn Văn Nhã đã quên mình cứu bạn. Ảnh: N.V

Nụ cười của Nhã mãi vẹn nguyên

Minh Thành LDO | 16/11/2021 07:00
Tấm gương quên mình cứu 3 nữ sinh trên biển của chàng sinh viên Nguyễn Văn Nhã đã truyền cảm hứng dám sống, dám hy sinh về người khác cho thế hệ thanh niên.

Ngày 30.4.2021, có một nhóm sinh viên của Đại học Huế đã đến bãi tắm tự phát ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) tắm biển.

Khi đang tắm, có 4 sinh viên bị nước cuốn trôi ra xa. Thấy bạn mình kêu cứu, anh Nguyễn Văn Nhã (23 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lao ra biển cứu người. Sau khi đưa được ba nữ sinh viên vào bờ an toàn thì Nhã đuối sức bị nước biển cuốn ra xa. Khoảng 30 phút sau, người dân xã Phú Thuận và Đội cứu hộ biển Thuận An đã tìm vớt được Nhã trên biển trong tình trạng nguy kịch và đã tử vong ít phút sau đó.

Câu chuyện khiến mọi người bàng hoàng nhưng cũng cảm phục sự dũng cảm của Nhã. Bạn bè ai cũng tiếc thương chàng sinh viên Nguyễn Văn Nhã, sinh năm 1998, trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sinh viên năm 4, ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học, thuộc Đại học Huế.

Nhà Nhã nghèo, có 7 anh em rất khó khăn, bố Nhã bị tai biến nhiều năm nay, mẹ sức khỏe yếu. Cách đây 10 năm, gia đình Nguyễn Văn Nhã một người em cũng bị đuối nước tử vong.

Vượt lên nghịch cảnh, Nhã luôn nỗ lực học hành và thực hiện ước mơ bước vào giảng đường đại học. Nhiều năm liền em là sinh viên khá, giỏi trong học tập. Biết lắng nghe, giúp đỡ bạn bè, nên Nhã luôn được thầy thương bạn mến.

Tại lễ tưởng niệm, PGS-TS Huỳnh Văn Chương - Phó Giám đốc ĐH Huế - nói rằng sự ra đi của Nhã là một mất mát quá lớn, sự thương tiếc vô cùng đối với gia đình, bạn bè, người thân, đối với ĐH Huế và Trường ĐH Khoa học. Lòng tốt, sự tử tế, tinh thần nhân văn, nhân ái của em sẽ không bao giờ bị lãng quên. 

Thầy nói: “Soi mình vào những điều tử tế của Nhã để mỗi người cần sống tốt đẹp hơn, có trách nhiệm hơn - dù không làm “hiệp sĩ”, không thể là “anh hùng”, nhưng ít nhất hãy là một công dân có ích, có ý thức, làm tròn bổn phận của mình với cộng đồng nơi mình đang sinh sống”.Trong lễ tưởng niệm đầy xúc động ấy, các bạn của Nhã ai cũng mang theo một nhánh hoa cúc trắng hoặc hoa hồng và ngọn nến. Xung quanh khuôn viên trường được thắp sáng bởi đèn hoa đăng. Ở chính giữa, những bức ảnh chụp Nhã vui vẻ lúc còn sống được đặt trên một chiếc bàn dài. Giảng viên, sinh viên tham gia buổi lễ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đến Nhã. Đại diện gia đình Nhã cũng nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về hành động cứu người trong hoạn nạn của em. 

Nhiều sinh viên tham gia buổi lễ đã không cầm được nước mắt khi được bạn bè chia sẻ những ngày Nhã theo học ở trường. Trong mắt bạn bè, Nhã hiền lành, giản dị. Từ Nghệ An vào Huế trọ học, hằng ngày Nhã đến trường bằng chiếc xe đạp cũ. Ngoài giờ học, Nhã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của trường, của nhà thờ nơi cậu sinh hoạt.

Ngay sau khi Nhã mất, lãnh đạo xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và người thân đã đưa thi thể em về quê nhà mai táng ở xã Quỳnh Yên. Trong chiều cùng ngày, đại diện T.Ư Đoàn cũng đến thăm hỏi, động viên và truy tặng “Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm” cho sinh viên Nguyễn Văn Nhã vì hành động dũng cảm quên mình cứu bạn.

Sau khi biết được tấm gương quên mình của Nguyễn Văn Nhã, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn và thăm hỏi tới gia đình sinh viên Nguyễn Văn Nhã.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trình Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm, đồng thời xem xét công nhận sinh viên Nguyễn Văn Nhã là liệt sĩ theo đúng quy định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An và Đại học Huế quan tâm, hỗ trợ gia đình sinh viên có nghĩa cử cao đẹp quên mình cứu bạn.

Sự hy sinh của Nguyễn văn Nhã chấn động cả nước, đánh thức một điều gì đó thật lớn lao trong mỗi con người, điều đó có tên gọi giản dị là “lòng tốt”. Hình như chúng ta đang thiếu vắng điều giản dị này.

Nhà báo Lê Thanh Phong viết: “Nguyễn Văn Nhã cứu người không phải để được khen thưởng, nhưng bạn xứng đáng nhận được sự tôn vinh. Nếu như có một tấm huân chương thì cũng không chỉ có ý nghĩa riêng đối với Nguyễn Văn Nhã, mà để cho cộng đồng có một tấm gương sáng để hướng về. Hướng về sự tử tế, cảm thông, chia sẻ và hy sinh. Các bạn trẻ, nếu như có ai đó từng sống ích kỷ, vô tâm đã có một chân dung đẹp để suy nghĩ và đổi thay”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn