MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Ngọc Mai.

Nữ kiến trúc sư "thiết kế" tuổi thơ cho trẻ em vùng cao

NGỌC MAI LDO | 05/11/2023 19:00

Từ những trăn trở về không gian vui chơi của người trẻ, kiến trúc sư Thảo Dương (30 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cùng các cộng sự đã mang “Sân chơi cầu vồng” đến nhiều điểm trường, điểm bản xa.

Khi điều kiện về đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn, sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em ở vùng cao gần như bị bỏ quên. Thấu hiểu nỗi niềm của tuổi thơ ấy, kiến trúc sư Thảo Dương (30 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đã sáng lập dự án “Sân chơi cầu vồng" với sứ mệnh tạo sân chơi cộng đồng an toàn cho trẻ em ở vùng cao, vùng xa.

Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Lao Động, Thảo Dương đã có những chia sẻ về hành trình mang niềm vui đến các em nhỏ nơi miền xa.

Lý do nào khiến Dương quyết định triển khai dự án “Sân chơi cầu vồng” cho các em nhỏ ở những vùng khó khăn?

- Bản thân mình có một nỗi đau trong quá khứ và nó rất tổn thương tới mình. Tuổi thơ của mình thiếu những khu vui chơi dành cho trẻ em. Vì thế mà bản thân đã chứng kiến nhiều sự việc đau lòng, ám ảnh về những người bạn bị tai nạn do thiếu sân chơi an toàn. Điều này đã thôi thúc mình tạo ra những sân chơi an toàn cho các em nhỏ, đặc biệt là tại những địa phương khó khăn.

Mong muốn của mình chỉ đơn giản là trong mỗi năm, mình có thể giúp thật nhiều đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc. Nếu mình làm tốt thì sân chơi có thể sử dụng từ năm này qua năm khác. Hơn nữa, một sân chơi không chỉ mang niềm vui đến một bạn nhỏ mà còn cho cả một ngôi trường, một ngôi làng. Và cũng từ đây mà “Sân chơi cầu vồng” ra đời.

Hiện tại, dự án đã xây dựng các mô hình sân chơi cầu vồng tại những tỉnh thành, điểm trường nào?

- Chúng tôi bắt đầu làm sân chơi đầu tiên vào tháng 5.2022 tại Lâm Đồng, sau đó, cho tới năm 2023, tiến hành thêm 4 sân tại các địa phương Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Chúng tôi lên kế hoạch mở rộng địa bàn triển khai mô hình này từ các vùng Tây Nguyên ra các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cụ thể, mô hình “Sân chơi cầu vồng” đã được xây dựng tại 5 điểm trường: TH Chơ Ré (Ma Pó, Lâm Đồng); trường mầm non Làng Doch (Chư Păh, tỉnh Gia Lai); TH Jang Roong (ĐắK Cấm, Kon Tum); trường TH Nguyễn Huệ (Cư Jut, Đắk Nông); trường TH Đoàn Thị Điểm phân hiệu C (Đắk Ngo, Đắk Nông). Dự kiến trong tháng 11, chúng tôi sẽ hoàn thành thêm một sân chơi cầu vồng tại điểm trường ở Sơn La.

Ảnh: Ngọc Mai.

Trong quá trình thực hiện dự án, kỷ niệm nào với người dân hay các em nhỏ khiến bạn nhớ mãi và cảm thấy vô cùng trân trọng?

- Thời gian đầu tiến hành thi công, mình và các cộng sự gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng sau khi người dân được tiếp xúc với dự án, họ hiểu được sự háo hức và mong chờ của những đứa trẻ nếu có một sân chơi an toàn. Vì vậy, rất nhiều người dân đã không ngần ngại giúp đỡ, đồng hành cùng chúng tôi xây dựng sân chơi để kịp tiến độ.

Tôi vẫn nhớ mãi ngày hôm đó, khi đang xây dựng sân chơi thứ hai tại Gia Lai, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân nơi đây. Thông thường đến 17h, các anh chị sẽ nghỉ thi công và về nhà, còn chúng tôi vẫn tiếp tục thi công để kịp tiến độ. Lúc đó là 19h rồi, mọi người đang ăn uống nhưng nghĩ thương chúng tôi quá, nên họ bảo nhau xuống thi công tiếp tới tối luôn không về. Đó là kỷ niệm mà mình vô cùng trân trọng.

Qua chia sẻ thì việc xây dựng sân chơi cho các em nhỏ ở vùng xa là điều không hề dễ dàng. Thảo Dương có thể chia sẻ về những khó khăn đó không?

- Trong mỗi chuyến đi làm “Sân chơi cầu vồng", mình và các bạn trong dự án đều sợ nhất là mưa. Mình vẫn nhớ đến một cơn mưa rất to, nhưng đã cho mình một bài học lớn.

Ban đầu chỉ là mưa bé, các thành viên vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Nhưng đến tối, cơn mưa ấy càng nặng hạt khiến cho tất cả hệ cột đều sụp đổ, bê tông thì bị loãng ra. Lúc đó, mình thật sự cảm thấy bất lực, quyết định cho mọi người dừng hết công việc và nghỉ ngơi.

Sau này khi nhìn lại, mình mới hiểu tại sao cơn mưa đó cần phải có. Cũng nhờ cơn mưa lớn ấy mà chúng tôi đã nhìn nhận ra những sai sót trong thi công và kịp thời khắc phục. Và từ đó, chúng tôi sẽ luôn chuẩn bị kỹ lưỡng và có những phương án thi công nếu trời mưa. Mình thấy khó khăn nào cũng đi kèm với một bài học lớn, quan trọng là bản thân có chịu học nó hay không.

Ảnh: Ngọc Mai.

“Sân chơi cầu vồng” là một dự án phi lợi nhuận, thậm chí còn phải đánh đổi bằng nhiều yếu tố khác. Vậy đâu là động lực để Dương và các cộng sự có thể tiếp tục thực hiện dự án này?

- Niềm vui của các em nhỏ thật sự là động lực rất lớn của chúng tôi khi xây dựng “Sân chơi cầu vồng". Mình rất ấn tượng với câu nói mà người dân tại một điểm trường dành cho dự án, đó là: “Biến 30km thành con số 0”. Về sau mình mới biết rằng, từ điểm trường đến một khu sân chơi cơ bản là tận 30 cây số, nhưng dự án đã rút ngắn khoảng cách lại thành con số 0 cho các em nhỏ.

Chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau rằng bỏ áp lực ở thành phố lên núi để tự tạo áp lực cho nhau. Nhưng sau tất cả, khoảnh khắc các em nhỏ đến chơi tại “Sân chơi cầu vồng" và các em ấy nở nụ cười rất tươi và hạnh phúc thì tất cả chúng tôi như được “hồi sinh” vậy.

Xin cảm ơn Thảo Dương về cuộc trò chuyện!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn