MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nữ sinh viên tái chế dầu ăn thừa thành xà phòng

HOÀI ANH LDO | 11/10/2021 07:00

Mong muốn lan toả lối sống xanh đến với tất cả mọi người, Nguyễn Ngọc Linh (21 tuổi, sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) đã thực hiện dự án tái chế dầu ăn thừa thành xà phòng và tặng lại chính những bánh xà phòng đó cho những người tham gia dự án.

Ngọc Linh xếp gọn những bánh xà phòng hình dấu chân mèo vào túi giấy. Bánh xà phòng màu nâu và màu trắng Ngọc Linh mang cho một chị bên quận Cầu Giấy, 2 bánh màu vàng và màu xám còn lại sẽ dành tặng cho một bạn sinh viên cùng trường.

Đây là 2 trong số rất nhiều người đã gửi những chai dầu ăn thừa cho Ngọc Linh. Dầu ăn thừa có màu nâu đục, nhiều cặn và có mùi khó chịu. Thế nhưng qua bàn tay của Ngọc Linh, chúng đã được “biến hoá” thành những bánh xà phòng xinh xắn và có mùi thơm.

Chia sẻ về lý do quyết định tái chế dầu ăn thừa thành xà phòng, Ngọc Linh cho biết: “Mình có thói quen sống xanh khá sớm do có niềm yêu thích với cây cối và môi trường. Trong nhà mình thường sử dụng các sản phẩm tẩy rửa sinh học thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, mình nhận thấy chúng không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tẩy rửa trong gia đình và có các hạn chế như là mùi hương hay độ làm sạch.

Ngoài ra, dầu ăn đã qua sử dụng tác động lớn đến môi trường khi không được xử lý đúng cách (có thể làm nghẽn đường ống thoát nước, ô nhiễm nguồn nước ngầm). Do đó, bằng những kiến thức học được từ phổ thông và qua tìm tòi, mình đã bắt tay vào làm bánh xà phòng tái chế từ dầu ăn thừa. Trong quá trình làm, mình chú trọng sự an toàn khi sử dụng cũng như cân bằng các yếu tố chất lượng và thẩm mĩ cho thành phẩm của mình”.

Ngọc Linh tặng bánh xà phòng cho "chủ nhân" của những chai dầu ăn thừa. Ảnh: NVCC

Để làm ra những bánh xà phòng này, đầu tiên, Ngọc Linh thu nhận dầu ăn thừa và lọc bỏ cặn bẩn. Tiếp đến là bước ngâm dầu ăn thừa với các loại thảo mộc như là sả, vỏ chanh hoặc than hoạt tính để loại bỏ mùi.

Sau đó, Ngọc Linh thực hiện cân đo các nguyên liệu và khuấy trộn chúng đúng tỉ lệ theo công thức và đổ khuôn. Thành phẩm sẽ được gỡ khuôn sau 7-10 ngày và có thể sử dụng từ 4-6 tuần tùy theo điều kiện thời tiết.

Sau khi đóng gói thành phẩm, Ngọc Linh gửi tặng chính những bánh xà phòng này đến những người đã gửi dầu ăn thừa cho dự án. Những người gửi 100g dầu sẽ nhận lại 1 bánh xà phòng nhỏ và bánh xà phòng lớn cho những người đã gửi 300g dầu.

“Sau quá trình đổi dầu, mình nhận về rất nhiều những phản hồi tích cực về chất lượng tẩy rửa, độ tạo bọt, độ an toàn của sản phẩm. Khá nhiều bạn phản hồi rằng xà phòng này không gây cảm giác bí rít da.

Ngoài ra, mình thường tư vấn cho mọi người hãy dùng xà phòng này để cọ rửa, làm sạch hoặc dùng để rửa tay chứ không nên dùng để giặt đồ, vì xà phòng có thể làm mục vải do tác động hóa học”, Ngọc Linh nói.

Bánh xà phòng do Ngọc Linh tái chế từ dầu ăn thừa. Ảnh: NVCC

Sắp tới, Ngọc Linh mong muốn có thể mở các workshop hướng dẫn mọi người tái chế xà phòng tại nhà một cách an toàn cũng như phát triển thêm các sản phẩm tái chế khác để gửi tới cộng đồng.

"Mình rất hạnh phúc vì nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ cộng đồng. Có những bạn tâm sự với mình rằng chỉ cần dầu ăn thừa được xử lý đúng cách để bảo vệ môi trường chứ không cần nhận lại xà phòng. Sự thay đổi trong nhận thức của mọi người là một động lực rất lớn để mình duy trì dự án này", Ngọc Linh tâm sự. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn