MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ y sĩ gần 45 năm "lập chốt cấp cứu" chống lại tử thần. Ảnh: Lương Hà

Nữ y sĩ gần 45 năm lập chốt cấp cứu "đối đầu với tử thần"

Lương Hà LDO | 13/04/2023 08:33

"Chốt cấp cứu bà Liên" là nơi bà Đào Thị Liên (75 tuổi, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã gần 45 năm gắn bó với công việc cứu người gặp nạn, nhất là những nạn nhân tai nạn giao thông quanh khu vực này.

Chốt cấp cứu 0 đồng

Nằm ngay bên cạnh quốc lộ 5 (QL5), ngôi nhà nhỏ với tủ thuốc, thiết bị sơ - cấp cứu xếp chật cả không gian là nơi làm việc của bà Liên. Đã gần 45 năm qua, người dân khu vực ngã xã Phúc Thành (hay còn gọi là ngã tư tử thần), huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương quá quen với hình ảnh bà Liên - một người phụ nữ không ngại vất vả, khó khăn cứu giúp những người không may gặp tai nạn giao thông (TNGT) quanh khu vực.

Cũng tại ngôi nhà này, số người không may gặp TNGT tại ngã tư "tử thần" được bà Liên cấp cứu lên tới vài trăm trường hợp. Lật mở cho tôi xem từng trang giấy trong cuốn sổ ghi chép danh sách người bệnh đã sờn cũ, có ghi đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, tình trạng chấn thương... của từng người, bà Liên - kể: “Sống ở đây đã mấy chục năm nay, từ ngày tôi làm công việc này, cứ thấy ai không may gặp tai nạn ở đây là tôi cứu. Tôi ghi vào sổ là để theo dõi chứ chưa bao giờ tôi nghĩ mình cứu người để được họ trả ơn cả".

Bà Liên lật mở từng trang cuốn sổ ghi chép người không may bị tai nạn. Ảnh: Lương Hà

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hà Bắc (cũ) năm 1971, bà Liên được phân công về Bệnh viện tỉnh Hải Dương, nhưng bà đã từ chối, để xin về Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành phục vụ cho bà con địa phương. "Đó cũng chính là cơ duyên để tôi có thể làm công việc này cho đến ngày hôm nay" - bà Liên nói.

Nhớ lại về những ngày trước đây, khi gia đình bà mới chuyển ra khu vực này sinh sống chưa có đèn xanh đỏ chỗ ngã tư "tử thần", đối diện là đường tàu chạy qua, có 3 trường học và lối rẽ sang thị xã Kinh Môn nên lúc nào cũng đông người và phương tiện qua lại, dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Nhiều lần chứng kiến người gặp nạn, bà Liên thấy xót xa cho những nạn nhân.

Đau đáu về điều này, năm 1980, tận dụng công việc của bản thân là nghề y, bà Liên đã bắt đầu công việc giúp đỡ người bị nạn cho đến tận bây giờ.

 Bài viết về nữ y sĩ Đào Thị Liên trong cuốn sách "Những tấm gương tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và đảm bảo TTATGT" của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia. Ảnh: Lương Hà

Thời gian đầu, khi bắt đầu công việc, tôi nhận lại không ít lời ra, tiếng vào thiếu thiện chí. "Thậm chí có người còn bảo tôi trục lợi, do bà ấy làm ở bệnh viện nên làm để kiếm thêm thu nhập,... bởi thế mà khi đó chẳng ai giúp đỡ tôi. Lâu dần, tôi bỏ ngoài tai những lời nói đó và vẫn tiếp tục công việc của mình. Từ đó, mọi người xung quanh dần hiểu ra, họ được nghe sự thật trực tiếp từ những người được tôi từng giúp đỡ rồi hiểu tôi hơn và giờ chính họ lại là những cộng sự nhiệt tình của tôi mỗi khi khu vực này có người bị nạn" - bà Liên cười nói nhớ lại.

Những vụ tai nạn không bao giờ quên

Trong cuốn sổ ghi chép từ năm 2006 mà nữ y sĩ lưu lại, đã có hơn 500 trường hợp được bà cùng mọi người xung quanh cấp cứu. Mỗi trường hợp, mỗi nạn nhân là những câu chuyện khác nhau, có những trường hợp chỉ cần nhắc đến tên bà Liên lại rơm rớm nước mắt.

Cách đây 9 năm, năm 2014, vào khoảng 6h30 sáng, nạn nhân là chị Nguyễn Thị T (xã Phúc Thành) chở con gái là cháu Đỗ Thị N.A đến trường dự khai giảng. Nhưng khi sang đường, xe của mẹ con chị T không may bị một ô tô khách đi ngang qua, đâm phải khiến xe máy văng xa và kéo theo cháu A đến gần khu vực cửa nhà bà Liên.

"Thấy tiếng va chạm mạnh, tôi từ trong nhà chạy ra đã thấy chị T nằm bất tỉnh, còn cháu A. nằm trên xe máy trong tình trạng xe đang bốc cháy. Lúc này, con trai tôi trong nhà nghe tiếng tôi gọi liền vội chạy ra, hai mẹ con lao vào dập lửa.

Cứu được cháu A ra khỏi xe, tôi tiến hành sơ cứu hô hấp nhân tạo cho cháu và băng bó vết thương, nẹp cố định xương đùi cho chị T. Sau đó, bà con xung quanh cũng khẩn trương hỗ trợ đưa mẹ con chị T vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành cấp cứu. Đến khi người nhà nạn nhân tới, bệnh viện căn cứ tình trạng bệnh đã làm thủ tục cho chuyển mẹ con chị T lên Bệnh viện Việt Đức chữa trị" - bà Liên kể.

May mắn được bà Liên giúp đỡ, đến giờ cô bé N.A đã là học sinh cấp 2, mỗi lần đi học A thường rẽ qua nhà bà Liên chơi. "Khi nghe mọi người kể lại em cảm thấy em thật may mắn, đối với em bà giống như người mẹ thứ 2 của em vậy. Mỗi lần gặp bà, nhìn bà vẫn mạnh khoẻ là em yên tâm hơn rất nhiều" - em N.A cho biết.

 Một góc khu vực bàn thiết bị y tế của bà Liên. Ảnh: Lương Hà

Cả một hành trình dài làm "hiệp sĩ giao thông" của mình, theo bà Liên, có những vụ việc, sau khi sơ cứu đưa nạn nhân đi viện, bà và người nhà bị gia đình nạn nhân nghi ngờ, đổ oan lấy tiền, tài sản của nạn nhân, thậm chí họ còn cho rằng chính bà là người gây ra tai nạn.

Nhưng rồi mọi rắc rối cũng dần được gỡ bỏ, cứ thế, người phụ nữ ấy ngày ngày đem tấm lòng nhân đức đi gieo mầm trong cộng đồng, âm thầm, lặng lẽ "đánh đuổi tử thần" tại cung đường nóng về hiểm họa TNGT trên QL5.

"Bây giờ, tôi không còn đơn độc trong việc cứu hộ tai nạn giao thông nữa vì đã có mọi người xung quanh đồng lòng giúp đỡ, nhất là hai người con trai, một người cháu gái đang công tác trong ngành y cũng tham gia cùng. Tôi chỉ mong cuốn sổ ghi chép này sẽ không dài thêm nữa, công việc này của tôi "thất nghiệp" thì càng vui. Mong ngã tư "tử thần" Phúc Thành dần mất đi cái tên gọi của nó, sẽ không còn ai không may mắn gặp tai nạn trên mọi nẻo đường" - bà Liên trải lòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn