MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Đăng Được bên thư viện sách cho trẻ em xóm phao. Ảnh: Kim Anh

Ông lão 74 tuổi bỏ tiền xây thư viện, mở lớp học tình thương cho trẻ nhỏ

Kim Anh LDO | 01/12/2020 07:00

Chứng kiến những đứa trẻ nơi bãi giữa sông Hồng không được đến trường, ông Nguyễn Đăng Được (74 tuổi) đã bỏ tiền, thuê đất làm thư viện, mở lớp học tình thương cho các em nhỏ với mong muốn có thể “xóa nạn mù chữ”.

Linh hồn của xóm nghèo ven sông Hồng

Trong căn nhà được dựng trên nền đất ở bãi giữa sông Hồng, ông Nguyễn Đăng Được (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) đang lúi húi cào đất, trồng cây ngoài vườn. Ông Được là người đầu tiên đặt chiếc thuyền để mưu sinh ở đây.

Ở nơi xóm Phao này ông được người dân gọi bằng cái tên thân mật là ông Được “đen” và vợ chồng ông cũng được xem như “linh hồn sống” của xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên. Những hộ dân ở đây đến từ nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình,…

Ông Được là người đầu tiên mưu sinh nơi bãi giữa sông Hồng. Ảnh: K.Anh

Ông Được kể, quê gốc ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, do hoàn cảnh khó khăn nên ông lưu lạc, mưu sinh ở khắp nơi kiếm sống bằng nhiều nghề. Năm 1976, ông xa gia đình và lưu lạc ra Hà Nội. Tích góp được số tiền ít ỏi, ông thuê được miếng đất bãi giữa sông Hồng và ngụ cư luôn ở đây.

Gần 30 năm gắn bó với những người dân xóm chài, dưới sự dìu dắt của ông Được, cuộc sống của người dân dần ổn định và đi vào nề nếp hơn. Những người dân sinh sống nơi đây đa phần đều sống dưới thuyền, dựa vào con nước. Ban ngày họ đi làm thuê, làm mướn, ai bảo gì làm nấy, tối đến lại trú ngụ trên những con thuyền ọp ẹp, chông chênh.

Nhiều em nhỏ ở nội thành Hà Nội cũng đến đây vào mỗi cuối tuần đọc sách, vui chơi giải trí.

Miệt mài “gieo chữ” trên bãi giữa sông Hồng

Xóm Phao với gần 30 hộ dân sinh sống với khoảng 100 người đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Từng hộ gia đình, từng người dân và công việc của họ ông Được đều hiểu rõ, nắm rõ trong lòng bàn tay. Những người này do lang thang, không nhà cửa, họ bỏ quê đi nhiều năm nên địa phương đã cắt khẩu.

“Không có giấy tờ tùy thân, con cái sinh ra không được khai sinh, tương lai của những đứa trẻ xóm Phao sẽ “mù mịt” nếu không được đi học tới trường, rồi lại tiếp tục con đường khó khăn nơi bãi sông”, ông Được trăn trở.

Lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ nơi xóm Phao, nghĩ là làm, ông Được dùng mảnh đất thuê được, mở một lớp học cho các em nhỏ với mong muốn đơn giản chỉ để xóa nạn mù chữ cho các em nhỏ.

Sau một thời gian, một số bạn sinh viên xuống chơi, thấy được hoàn cảnh của các em nên đã hỗ trợ ông, thay nhau dạy học. Đều đặn vào mỗi cuối tuần, căn nhà nhỏ ven sông lại ê a tiếng học bài.

Thư viện của ông Được có đủ các loại sách cho nhiều lứa tuổi.

Khi những đứa trẻ đã bắt đầu biết đọc, biết viết, ông Được mở một thư viện sách miễn phí cho các em nhỏ. “Hễ cứ đi đâu, thấy sách vở cũ là tôi lại mua về, gom góp từng chút một cho các cháu đọc. Rồi nhiều người biết đến, thấy được hoàn cảnh của các em, mỗi lần đến chơi nhà ông lại mang sách đến cho các em ở đây”, ông Được tâm sự.

Sau này, khi những đứa trẻ ấy lớn lên nếu muốn được đi học thì phải có giấy khai sinh. Thế rồi, ông Được lại cất công tìm hiểu từng hoàn cảnh một, về địa phương xác minh lý lịch từng người. Giờ đây, các em đã được làm giấy khai sinh tại phường Ngọc Thụy và đều được đến trường học hành như bạn bè đồng trang lứa.

Không chỉ mở thư viện, lớp học miễn phí cho các em, ông lão với nước da đen sạm ấy còn mở một sân chơi dành cho các em nhỏ. Lo sợ gần sông nước nguy hiểm, nên ông Được đã mở một sân chơi được chế tạo từ những món đồ cũ, để trẻ có thể được học tập và vui chơi an toàn nhất.

Khu vui chơi cho các em nhỏ.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Đăng Lễ - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: “Mô hình lớp học miễn phí của ông Nguyễn Đăng Được rất có ý nghĩa tới cộng đồng. Việc xây dựng lớp học, thư viện này đã giúp cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với giáo dục, mở mang tri thức, lan tỏa, xây dựng thói quen đọc sách cho các em nhỏ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn