MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hải Yến tái chế quần bò cũ thành các sản phẩm thời trang.

Quần bò cũ "lên đời" thành các phụ kiện thời trang "sang, xịn, mịn"

HOÀI ANH LDO | 12/01/2021 07:00

Nguyễn Thị Hải Yến (25 tuổi, Việt Yên, Bắc Giang) đã tái chế những chiếc quần bò cũ thành các phụ kiện thời trang được giới trẻ ưa chuộng.

Nguyễn Thị Hải Yến từng là sinh viên ngành Công tác xã hội (Trường Đại học Lao động - Xã xội). Tuy không xuất phát từ ngành thời trang nhưng Hải Yến lại có một niềm đam mê rất lớn với handmade, đặc biệt là mảng túi xách handmade.

Vì vậy, dù trái ngành nghề đang học, nhưng Hải Yến cũng đã tự tìm tòi học hỏi may túi xách từ thời sinh viên và lập ra thương hiệu Mèo Tôm Handmade. Ban đầu tiệm của Hải Yến chỉ có những chiếc túi xách, balo ví được may từ vải mới. Nhưng vì bản thân cô lại thích sự độc đáo, khác biệt, mang lại lợi ích cho cộng đồng nên sau khi tốt nghiệp, cô đã trở về quê để phát triển thương hiệu và mất 2 năm để tìm ra con đường đi cho bản thân.

Trong quá trình may, cô luôn tìm những nguyên liệu độc đáo và thân thiện với môi trường. Tình cờ trong một buổi dọn tủ quần áo, cô lọc ra một vài chiếc quần bò đã không mặc đến nữa và mang ra may túi.

"Sau đó, khi khoe những hình ảnh túi làm từ quần bò lên mạng xã hội, mình nhận về nhiều lời khen và sự quan tâm. Một số người chia sẻ lại rằng họ cũng có những chiếc quần bò cũ như vậy, họ cũng đang không biết nên làm gì với chúng và muốn gửi tặng để mình may túi.

Vì vậy mình thấy không chỉ tái sinh những chiếc quần bò cũ của bản thân mà còn có thể giải cứu quần bò cũ của mọi người. Từ đó mình đã nhận ra con đường đi của mình sau này chính phát triển thương hiệu Mèo Tôm Handmade là thương hiệu túi xách tái chế", Hải Yến kể lại.

Kể từ đó, Hải Yến bắt đầu công việc với những chiếc quần bò cũ. Cô luôn tự đặt ra câu hỏi như: Chiếc túi quần, cạp quần này sẽ được đặt ở đâu, như thế nào? Cũng bởi mỗi chiếc quần cũ mà Hải Yến nhận được đều khác nhau nên mỗi sản phẩm ra đời đều là duy nhất.

Những sản phẩm tái chế của Hải Yến. Ảnh: Hoài Anh

Theo Hải Yến, nguyên liệu chính để may túi là quần bò nên chi phí sẽ không cao so với sản xuất túi xách bằng 100% nguyên liệu mới, tuy nhiên sẽ mất nhiều công sức. Sau khi thu thập quần bò về, Hải Yến sẽ phải giặt sạch sau đó mới tiến hành cắt may.

Trong quá trình tái chế, mỗi chiếc quần đều có những kỉ niệm riêng đối với Hải Yến. Trong đó, câu chuyện khiến Hải Yến nhớ nhất là về chiếc quần cũ mà một vị khách gửi tặng.

"Có một chị khách gửi quần cũ về để chúng mình tái sinh. Sau đó, khi bọn mình gửi lại chiếc túi thì chị ấy đã nói với mình rằng: "Chị thật bất ngờ khi nhìn thấy chiếc túi này. Bản thân chiếc quần đã làm rất tốt sứ mệnh của nó rồi, vậy mà giờ em có thể biến chúng thành túi xách đẹp thế này, thật là tuyệt vời".

Những kỉ niệm đẹp ấy chính là động lực để mình giải cứu thêm nhiều quần bò cũ. Và nhận thấy công việc mỗi ngày mình đang làm không chỉ thoả mãn đam mê của bản thân mà còn có ích với cộng đồng trong việc giảm thiểu rác thải thời trang, lan toả thông điệp sống xanh và truyền cảm hứng cho nhiều người yêu thích việc tái chế hơn", Hải Yến nói.

Những chiếc quần cũ mà Hải Yến đã “hô biến” thành sản phẩm thời trang. Ảnh: NVCC

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn