MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh trong VTV đặc biệt "Ranh giới". Ảnh chụp màn hình

“Ranh giới” và cuộc gọi đến trong đêm khuya

Lê Thanh Phong LDO | 09/09/2021 16:24
Tiếng điện thoại reo, bên kia là giọng của một người đàn ông mà tôi chưa từng được gặp, nhưng đã có lần nói chuyện với nhau qua điện thoại cách đây gần hai năm, đó là anh Trịnh Quang – Giám đốc khu nghỉ dưỡng Sun and Sea Resort ở vùng phá Tam Giang, Thừa Thiên – Huế.

“Anh Phong à, anh có khỏe không?” - anh bắt đầu như thế.

Tôi hơi ngạc nhiên về cuộc gọi đến trong đêm khuya của anh. Qua vài lời hỏi thăm nhau, anh cố giữ giọng nói thật bình tĩnh, nhưng tôi vẫn cảm nhận được có điều gì đó rất xúc động ở trong anh.

Hóa ra, anh xem chương trình VTV đặc biệt “Ranh Giới”  và thao thức không ngủ được. Cũng như nhiều người khác, mỗi khung hình là một nỗi ám ảnh, mỗi góc quay là một sự rung động sâu sắc.

Rồi anh chia sẻ vừa xem xong “Ranh giới” trên truyền hình, anh bị chấn động, cùng với nỗi sợ hãi về dịch bệnh,  cái mong manh của lằn ranh sống chết -  là tình người.

Cái đẹp của các y bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương – TPHCM làm cho cuộc sống đẹp hơn, làm cho cuộc đời tươi sáng hơn, vượt qua sự tối tăm u ám của dịch bệnh. Có lẽ, trước cái đẹp đó, con người quý trọng cuộc sống và tin cậy vào tình yêu thương của con người hơn.

Qua trò chuyện, anh nói rằng những gì chúng ta xem trong phóng sự truyền hình chỉ là một phần rất nhỏ của những gì mà các nhân viên y tế đang ngày đêm vật lộn ở các điểm nóng điều trị bệnh nhân COVID-19.

Anh cho biết đã theo dõi những đoàn y bác sĩ tăng cường cho miền Nam, xa gia đình nhiều tháng trời chưa về thăm được. Những hy sinh thầm lặng, ghê gớm, trong đó có cả hy sinh chính sức khỏe và mạng sống của mình. Có ai dám đảm bảo rằng không bị lây nhiễm và không gặp những hiểm nguy ngoài tiên liệu đâu.

Những lời của anh nói làm tôi nhớ đến câu chuyện của anh khoảng tháng 3 năm trước, lúc bùng dịch COVID-19 tại Huế, có 14 khách nước ngoài nghi nhiễm virus SASR-CoV-2. Thế là anh nhận những người này về resort của anh cách ly, điều mà không ông chủ khách sạn, resort nào dám làm lúc đó.

Khổ cho anh là khi đón người nghi nhiễm dịch bệnh, anh bị người dân chung quanh phản đối, quản lý, nhân viên nghỉ việc, khách lưu trú cũng sợ mà bỏ đi. Thế là chỉ còn anh là giám đốc, cùng với nhân viên y tế địa phương chăm sóc những người nước ngoài nghi nhiễm. Hỏi ra, anh chỉ nói đơn giản rằng, họ là khách đến Việt Nam, chẳng may gặp nạn thì mình phải giúp đỡ.

Hóa ra, con người có lòng nhân ái luôn trắc ẩn trước những thân phận không may và cả trước những sự hy sinh cao cả.

“Tôi và bạn tôi muốn góp một chút tấm lòng của mình đến với các thầy thuốc. Tôi biết Báo Lao Động có chương trình “Vì những chiến binh áo trắng”, anh kết nối giúp tôi nhé”.

Thế là sáng hôm sau ngày 9.9, anh chuyển đến chương trình 300.000.000 đồng, tặng Bệnh viện Hùng Vương TPHCM 200.000.000 đồng, và Đoàn bác sĩ của Bệnh viện TƯ Huế công tác tại trung tâm Hồi sức COVID-19 TPHCM 100.000.000 triệu đồng.

Chúng tôi, những người thực hiện chương trình “Vì chiến binh áo trắng” của báo Lao Động, xin cám ơn anh Trịnh Quang và những người bạn của anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn