MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà chùa thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ trải nghiệm. Ảnh: Thu Thuỷ.

San sẻ yêu thương nơi ngôi chùa cưu mang hơn 40 mảnh đời bất hạnh

THANH THUỶ LDO | 11/11/2023 19:52

Chùa Thiên Hương (xã Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên) hiện là nơi sinh sống của hơn 40 trẻ em mồ côi, mẹ đơn thân, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa...

Những mảnh đời bất hạnh tìm đến cửa Phật

Đến thăm chùa Thiên Hương, chúng tôi chứng kiến các em nhỏ phân chia các công việc như quét sân, trông em nhỏ, lau dọn bàn ghế… để tự rèn luyện bản thân và phụ giúp, đỡ đần cho nhà chùa.

Em Trần Kim Nhân, năm nay học lớp 9, đến nương tựa chùa Thiên Hương từ năm 2022, chia sẻ: “Em mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, lang thang ở nhiều chùa trong miền Tây. Năm ngoái em mới chuyển về đây. Ở chùa, mọi người sống với nhau như một gia đình, dạy chúng em cách đùm bọc, san sẻ, giúp đỡ nhau từ việc nhỏ nhất” - em Nhân bộc bạch.

Chùa Thiên Hương (xã Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên) nằm cách Hà Nội khoảng hơn 50km. Ảnh: Thu Thuỷ.

Anh Bùi Văn Tuyên (SN 1994) - trông coi nhà chùa gần 15 năm nay - thông tin, hiện chùa có khoảng hơn 40 người, đa số là trẻ em. Ngoài ra, nhiều mẹ đơn thân, cụ già, người khuyết tật cũng xin nương tựa ở chùa.

"Vài năm trước, con số phải lên đến gần 60 người. Tuy nhiên, tuổi cao sức yếu nên một số cụ không qua khỏi, một số người khác xin phép chùa chuyển đi nơi khác” - anh Tuyên nói.

Cũng theo anh Tuyên, mỗi người khi chọn nương tựa nơi cửa Phật đều có số phận bất hạnh khác nhau. Người mồ côi cha mẹ từ nhỏ; người có bố mẹ tù tội; người tật nguyền, già yếu không con cháu hoặc mắc bệnh bẩm sinh, hội chứng động kinh, thậm chí không lành lặn... Nhà chùa đều dang rộng vòng tay yêu thương đón những số phận hẩm hiu về sống chung dưới mái ấm sẻ chia.

Chia sẻ về chi phí để duy trì cuộc sống sinh hoạt, học hành hàng tháng, anh Tuyên cho biết, để nhận nuôi hơn 40 người không phải chuyện dễ dàng. Ngoài tâm đức, vấn đề kinh tế cũng là yếu tố đáng phải suy nghĩ vì khi nhận nuôi ai đó, nhà chùa phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho họ, ít nhất là nơi ăn, nơi ngủ. Xa hơn là chuyện học hành hoặc đi chữa bệnh định kỳ để duy trì sức khoẻ.

“Trung bình, tổng chi phí hàng tháng cho số lượng người trên rơi vào khoảng trăm triệu đồng. Trong đó, riêng tiền điện, nước đã khoảng 11 - 12 triệu đồng mỗi tháng” - anh Tuyên tiết lộ.

Vướng mắc đăng ký giấy khai sinh

Chia sẻ với PV, Đại đức Thích Nguyên Bình - trụ trì chùa Thiên Hương - cho biết, hiện nhà chùa không thể nhận thêm các trường hợp khác vì không kham nổi các chi phí. Tình hình kinh tế khó khăn, nhà chùa đang tìm phương án chuyển các em vào trung tâm bảo trợ của Nhà nước hoặc tìm người nhận nuôi.

Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, nhiều lần nhà chùa đăng ký làm giấy khai sinh cho các cháu nhưng chưa được giải quyết. Thậm chí, có cháu năm nay đã 3 tuổi nhưng chưa có giấy khai sinh.

Nhà chùa thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tạo không gian giải trí, vui chơi cho mọi người. Ảnh: Thu Thuỷ.

“Tôi mong muốn chính quyền xã tạo điều kiện để giúp các cháu có đầy đủ giấy tờ như một công dân bình thường; đồng thời, phối hợp với nhà chùa kết nối các cháu đến các trung tâm bảo trợ hoặc người nhận nuôi” - trụ trì Thích Nguyên Bình bày tỏ nguyện vọng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Văn Thành - Bí thư Đảng uỷ xã Dương Quang, thị xã Mỹ Hào cho biết, hiện Chùa Thiên Hương đang cưu mang nhiều mảnh đời, chủ yếu là cháu nhỏ. Ngoài ra, nhiều mẹ đơn thân, cụ già cơ nhỡ cũng nương nhờ nhà chùa. Do đó, chi phí hàng tháng dùng để chăm lo các vấn đề sinh hoạt, học hành, sức khoẻ là khá lớn. Nhiều đoàn từ thiện ở nơi khác đến ủng hộ, khi thông qua chính quyền xã đều sẽ được hỗ trợ kết nối.

"Để đảm bảo tính minh bạch, bài bản, hàng tháng chính quyền địa phương, công an xã đến kiểm tra hoạt động quyên góp; đồng thời chính quyền địa phương sẽ tiến hành giải quyết vấn đến khó khăn của nhà chùa, hỗ trợ nhà chùa trong khả năng cho phép" - ông Phan Văn Thành cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn