MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Shipper tình nguyện tiếp sức F0 giữa ngày giá rét

LƯƠNG HẠNH LDO | 23/02/2022 18:33

Mỗi ngày, sau khi kết thúc giờ làm việc tại công ty, anh Phạm Văn Tiên (sinh năm 1993) trú tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh lại rong ruổi trên chiếc xe wave cũ tình nguyện đi mua thuốc, đồ ăn… thay các F0 tại khu vực huyện Đông Anh, TP.Hà Nội giữa tiết trời giá rét. 

Nhiều lần xin đi tình nguyện

Hiện nay, Hà Nội đang liên tục có số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục. Khu Công nghiệp Thăng Long (Đông Anh) – nơi có rất nhiều công nhân xa quê đến thuê trọ, làm ăn sinh sống cũng không ngoại lệ. Nhiều người không có người thân, không bạn bè, gia đình ở bên rơi vào cảnh loay hoay không biết xoay xở ra sao khi lỡ “dính” COVID-19.

Giữa tiết trời giá rét, anh Tiên đem theo thuốc thang, đồ ăn... mà các F0 nhờ mua

Từng nhiều lần bệnh tật, ốm đau một mình, anh Tiên thấm thía nỗi khổ của những người bệnh không người thân, bạn bè. Anh Tiên chia sẻ: “Hôm đầu tiên tôi đi mua đồ hộ các bạn ở xóm trọ cùng nhưng đa phần các bạn ấy đều là F1 nên tự đi được. Tôi nghĩ còn các bạn F0 khác mà không nhờ được ai thì phải làm thế nào. Thế là tôi đăng bài lên facebook, chia sẻ vào các hội nhóm, đính kèm số điện thoại của tôi vào đó để họ cần thì sẽ gọi cho tôi”.

Hàng ngày, điện thoại của anh luôn nhận được những tin nhắn nhờ giúp đỡ.

Với công việc giao hàng và kiểm hàng tại kho, anh Tiên phải làm thông đêm từ 18h đến 7h sáng hôm sau. “Cứ buổi tối hoặc đêm đến, các F0 sẽ chủ động nhắn tin cho tôi nhờ mua đồ. Ghi đầy đủ những gì cần mua vào tin nhắn. Sau đó, sáng hôm sau tan làm tôi sẽ chủ động mua và đi ship lần lượt đến cho họ. Khi nào không có F0 gọi thì tôi tranh thủ ngủ để còn đi làm”, anh Tiên bày tỏ.

Cũng theo anh Tiên, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, anh đã nhiều lần đăng ký tình nguyện tại Hội Chữ tập đỏ của huyện và xã. Song, anh chưa được sắp xếp để tham gia. Do đó, lần này anh đã thực hiện việc làm tình nguyện này một mình.

Anh Tiên có một cô con gái 8 tuổi. Mỗi ngày khi đi làm, anh đều gọi video call về cho con gái. “Cháu phải tự lập sớm và ở nhà một mình khi tôi đi làm. Cháu cũng rất hiểu chuyện. Lúc nào cháu cũng tự hào về bố, khoe bố với các bạn bè của cháu. Tôi yên tâm và càng có động lực để làm việc tốt cho đời hơn nữa”, anh Tiên nói.

Sẽ làm đến khi nào hết F0

Tiếp xúc với nhiều F0 nhưng người đàn ông này không hề lo sợ việc mình có thể sẽ trở thành F0. Anh đeo khẩu trang, sát khuẩn, luôn tuân thủ phòng, chống dịch COVID-19. Khi mua đồ đến cho các F0, anh đều ứng tiền ra mua trước, sau đó mới gửi số tài khoản qua tin nhắn để họ chuyển tiền sau.

Nhận thấy hành động đáng khen của anh Tiên, nhiều người đã ngỏ ý cùng thực hiện. Nhưng anh Tiên đều từ chối. Anh lo lắng chuyện người dân nghĩ mình vụ lợi khi làm việc này.

Thậm chí, anh còn giúp F0 mua cả băng vệ sinh...

Mỗi lần nhận đơn thuốc đi mua hộ tốn quá nhiều tiền, anh Tiên đều hỏi lại triệu chứng của F0. Sau đó, anh đến hiệu thuốc và nói lại với dược sĩ để mua được đúng thuốc cho người bệnh.

“Tâm lí của người bệnh là lo sợ. Họ cứ thấy đơn thuốc tràn lan trên mạng là đem về rồi mua bừa bãi. Vừa lãng phí tiền, vừa nguy hiểm cho sức khỏe. Sáng hôm qua có một chị nhờ tôi mua thuốc chống đông máu, thuốc kháng virus... đủ loại trong khi chị ấy chỉ có triệu chứng sốt thôi”, anh Tiên chia sẻ thêm.

 Mỗi lần mua thuốc xong, anh Tiên nhận chuyển khoản sau để tránh tiếp xúc gần với các F0.

Đã một tuần trôi qua kể từ khi anh Tiên thực hiện công việc này. Anh đã hỗ trợ gần 50 F0 mua thuốc, đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt cần thiết khi họ thực hiện tự cách ly.

Khi được hỏi về dự định tương lai, anh Tiên cho biết sẽ giúp đỡ đến khi nào không còn F0 thì mới dừng lại. Không có lý do to lớn nào cho một việc làm này, chỉ đơn giản, người đàn ông này “sống vì tình người nên cứ mãi nghèo như này cô ạ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn