MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Kim Yến trong một lớp học tại Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng năm 2022. Ảnh LVT

Tấm lòng với trẻ em bất hạnh nhiễm chất độc da cam ở Đà Nẵng

Lê Văn Thơm (Hải Châu, Đà Nẵng) LDO | 07/06/2022 09:43

Công việc nhọc nhằn, đồng lương không cao, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Yến, 53 tuổi, ở phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cùng các đồng nghiệp vẫn luôn gắn bó với trẻ em nạn nhân chất độc da cam bằng tất cả tình yêu thương và lòng nhân ái.

Từ mờ sáng mỗi ngày, chị Yến đã đi xe máy vượt qua đoạn đường gần 20km từ phường Hòa Khánh Bắc đến với Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Nhiệm vụ chính của chị là dạy văn hóa cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam- những đứa trẻ tật nguyền nói trước, quên sau, học cả tháng chưa nhớ được một chữ, nhưng chị Yến lúc nào cũng giữ được nụ cười trên môi; dỗ dành động viên từng cháu.

Hằng ngày, ngoài dạy văn hóa, chị Yến còn tham gia các hoạt động chăm sóc trẻ; bày các em làm hương, cắm hoa, may áo quần, trồng và chăm sóc rau; hướng dẫn trẻ luyện tập thể dục, vui chơi, giải trí… “Cán bộ, nhân viên ở đây đều kiêm nhiệm nhiều việc, vừa lo chuyên môn của mình, vừa tận tâm hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động”, chị Yến bộc bạch.

Gần 15 năm gắn bó với các trẻ em nạn nhân da cam, bao kỷ niệm sâu sắc mãi in đậm trong lòng người nhân viên giàu nhiệt huyết. Chị Yến nhớ mãi em Võ Ý (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) hồi mới vào trung tâm hung hăng, ngỗ ngược, có lần đánh lại cô, bây giờ Ý đã trở nên đứa trẻ ngoan, hoạt bát, hiếu động, thích múa hát và giọng nói cũng ít ngọng ngịu hơn trước.

Chị Nguyễn Thị Kim Yến hướng dẫn trẻ em nạn nhân chất độc da cam luyện tập văn nghệ năm 2022. Ảnh LVT

Trong khi đó, em Trần Lê Thống (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) không học được chữ nhưng khi nghe hướng dẫn làm vườn, trồng nấm, nuôi gia cầm lại tiếp thu tốt, bày các kỹ năng tự phục vụ cũng làm theo khá nhanh…

Qua nhiều năm công tác, chị Yến nắm rõ tính tình, đặc điểm của từng em. Chị biết em nào thích nghe lời nói ngọt ngào, em nào thích được âu yếm, em nào cần phải cứng rắn… Từ đó, chị vận dụng vào việc giáo dục, chăm sóc, uốn nắn đối với từng trường hợp.

“Tấm lòng của những đứa trẻ tật nguyền đã làm mình ngày càng thêm gắn bó, yêu thương các em nhiều hơn. Vì vậy, khi có người giúp mình đi làm cho một doanh nghiệp lương cao, nhưng mình đã từ chối”, chị Yến tâm sự... 

Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng hoạt động bằng nguồn xã hội hóa. Vì vậy cán bộ, nhân viên làm việc chủ yếu bằng sự nhiệt tình tâm huyết. Giám đốc Trung tâm Tô Năm cho biết, lương bình quân của nhân viên chưa đến 3 triệu đồng/tháng. 

Dù công việc nhọc nhằn, nhưng chị Yến cùng các đồng nghiệp ngày ngày vẫn say mê, tận tụy và gắn bó với trẻ em nạn nhân chất độc da cam bằng tất cả tình yêu thương và lòng nhân ái. “Mình rất may mắn được chồng và các con đồng cảm, ủng hộ trong công việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em nạn nhân da cam”, chị Yến bày tỏ.     

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn