MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trần Vũ Phong bên một dãy chuồng nuôi dê. Ảnh: Lục Tùng

“Thả dê” khắp xóm giúp nhiều gia đình thoát khó khăn

Lục Tùng LDO | 04/10/2021 08:44

Không chỉ vươn lên thoát nghèo, anh còn “thả dê” khắp xóm giúp nhiều gia đình thoát khó khăn.

“Tôi không nhớ đã “thả dê” cho bao nhiêu hộ, nhưng có điều chắc chắn là hộ nào được “thả dê” cũng có tích lũy” - câu nói của anh Trần Vũ Phong (xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu - An Giang)  đã lôi cuốn tôi vào câu chuyện đầy tình người về hành trình giúp người dân vùng đầu nguồn lũ sông Cửu Long vượt khó do “lũ cạn” từ một người từng rất khó khăn.

“Tôi xuất thân từ người làm bảo vệ, lúc đó cuộc sống khó khăn lắm” - anh Vũ Phong trải lòng. Học vấn thấp, gia đình ở nông thôn, không có đất sản xuất, nên anh Phong phải “vào đời” với chân bảo vệ trường tiểu học gần nhà. Sau khi lập gia đình, cuộc sống và tương lai của đàn con đã đưa anh Phong đến quyết đoán: “Phải từ bỏ công việc gắn bó hơn 10 năm để tìm nghề mới”.

Tận dụng nguồn cỏ tự nhiên từ những cánh đồng sau nhiều năm lũ về thấp, anh góp toàn bộ tiền chắt mót mua 1 con bò cái. Tranh thủ lúc bắt cá, bắt cua kiếm sống hàng ngày, anh cắt cỏ nuôi bò. Nhờ chí thú, từ 1 bò mẹ, anh đã có thêm 3 bò con.  Đây được xem như gia sản mà trước đó anh không dám mơ.

Tuy nhiên, một lần được dự tập huấn về khuyến nông, anh đã quyết định chuyển đổi vật nuôi. Với suy nghĩ rất thiết thực: “Nuôi dê dễ hơn nuôi bò”, anh đã mạnh dạn bán toàn bộ bò để mua dê.

“Dê ăn được nhiều loại thức ăn và có thể bán thịt sau 6 - 8 tháng nuôi, trong khi bò chỉ thích 1 vài loại cỏ và mất 2 năm mới bán được thịt” - anh Phong chia sẻ.

Anh Trần Vũ Phong chăm sóc dê con. Ảnh: Lục Tùng

Sau thời gian đầu tận dụng cỏ thiên nhiên, lấy công làm lời, từ 4 con dê ban đầu, anh đã nhanh chóng nhân đàn lên 10 rồi 20 con giống. Mỗi dê con, sau 6 - 7 tháng nuôi, đạt trọng lượng bình quân 30 - 40kg, bán thịt được 4 - 5 triệu đồng, anh thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Sau khi quyết định mở rộng qui mô nuôi, anh Phong thuê 6 công đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng cỏ làm thức ăn cho dê. Với diện tích cỏ này, không chỉ đảm bảo ổn định về số lượng thức ăn cho đàn dê gần 100 con mà còn đảm bảo nguồn cỏ an toàn, chất lượng.  Hai năm nay, khi giá dê ổn định ở mức cao, mỗi năm anh thu lãi trên 200 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng chục triệu đồng/năm từ nguồn bán phân dê.

Đây là thu nhập lớn ở nông thôn trong bối cảnh giá nhiều loại nông sản bị sụt giảm và nguồn lợi thủy sản thiên nhiên trong mùa nước lũ giảm mạnh. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người trân trọng hơn là khi “ăn nên làm ra” anh Phong đã tìm cách giúp người khó khăn.

Sau khi xác định đủ “bài bản” nuôi dê thành công, anh Phong bắt đầu hành trình “thả dê” cho các hộ từng gắn bó với nghề đánh bắt cá mùa lũ, giờ khó khăn do nhiều năm “lũ cạn”. “Không chỉ bán dê con với giá hữu nghị, phương thức thanh toán “mềm”, anh còn tận tình chỉ dẫn cách chăm sóc, thuốc phòng và trị bệnh... Thậm chí, còn trực tiếp đến tận nhà, giúp đỡ đẻ cho dê” - anh Trần Văn Tín người nuôi dê ở ấp Phú Yên (xã Phú Lộc) chia sẻ. 

Ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc - cho biết: “Việc anh Phong giúp cho hàng chục hộ cùng nuôi dê, đã hình thành thương hiệu dê thịt cho địa phương. Qua đó khách hàng thường xuyên hơn, giá cả ổn định hơn và nhiều người đã thoát khó...”. Theo ông Dũng, địa phương cũng đã có nhiều hình thức ghi nhận đóng góp của anh Phong, nhưng ấn tượng nhất là mới đây Phòng Kinh tế thị xã Tân Châu đã hỗ trợ đôi dê chất lượng cao để anh vận dụng kỹ năng lai phối cho ra thế hệ lai thích ứng điều kiện tự nhiên đặc thù và cho thịt chất lượng.

Đó là vinh dự cho người chăn nuôi. Hy vọng với ý chí, nghị lực đã trui rèn trong thực tế, anh Phong sẽ có thêm thành công mới cho người dân vùng đầu nguồn có “đất mới” để thay đổi mưu sinh trước bối cảnh lũ ngày cạn dần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn