MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tham quan phòng thuốc nam từ thiện lớn nhất nhì miền Tây ở Kiên Giang

NGUYÊN ANH LDO | 09/03/2021 07:00
Phòng thuốc nam từ thiện tại Đình Nguyễn Trung Trực ở thành phố biển Rạch Giá (Kiên Giang) có hơn 120 vị thuốc, hàng trăm người tham gia phục vụ, hàng triệu thang thuốc phát miễn phí cho bà con khắp các nơi.
Phòng thuốc nam miễn phí của Ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực ở thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đã trở thành địa chỉ tin cậy được người dân khắp nơi vô cùng quý mến. Thành lập từ 1989, trải qua nhiều khó khăn thiếu thốn đến nay phòng thuốc vẫn giữ vững và phát triển lớn mạnh giúp cho nhiều người hơn.
Đình thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được biết đến là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia còn phòng thuốc nam của đình có quy mô lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu của Ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, mỗi năm phòng thuốc đã phát miễn phí cho bà con khoảng nửa triệu thang thuốc, châm cứu chữa bệnh cho trên 10.000 người.
Để có được số lượng thuốc lớn như vậy đình đã được sự hỗ trợ tình nguyện của 21 tổ sưu tầm thuốc ở khắp các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang... và các địa phương trong tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là những vị thuốc quý hiếm ở các hòn đảo của Kiên Giang. Mỗi tổ khoảng 10 đến 60 người đi tìm thuốc và chặt mang về cho đình. Ông Nguyễn Phước Hoa - Phó ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực cho biết: "Bình quân mỗi tháng sưu tầm khoảng hơn 13 tấn thuốc tươi, có những năm cao điểm con số lên đến trên 200.000 tấn/năm".
Ngoài ra, bà con sau khi đến khám chữa bệnh quay lại đóng góp với phòng thuốc bằng tấm lòng thiện nguyện sẻ chia. Nhà ai có thuốc gì cũng mang đến từng bó nhỏ rồi phòng thuốc sẽ có đội xử lý lại.
Đã khám và hốt thuốc uống tại đây khoảng 10 năm nay, bà Võ Thị Ánh (ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Tôi đi viếng đình rồi biết đến phòng thuốc nam nên vào chữa trị. Bệnh của tôi phải uống thuốc lâu dài vì là căn bệnh mãn tính nhưng uống thuốc thấy có hiệu quả lắm nên tôi vẫn duy trì thăm khám và hốt thuốc. Đường sá xa xôi sáng sớm là phải đi từ dưới quê lên nhưng được cái mình bỏ công ra xứng đáng và ở đây thì toàn bộ miễn phí cho người dân hết”.
Từ sáng sớm, khuôn viên trước phòng thuốc nam đã đông kín người. Ngồi ghế chờ ở sân, ông Nguyễn Văn Tánh (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Tôi đến khám và lấy thuốc lần thứ 3, thấy bệnh cũng khá giảm. Thuốc nam là những cây cỏ nên phải kiên trì uống thuốc từ từ chứ không phải nói hết là hết ngay. Lại đây bắt mạch xong được kê toa lấy thuốc miễn phí mà các kĩ thuật viên với lương y ở đây chữa trị nhiệt tình lắm. Xóm tôi cũng nhiều người đến đây khám”.
Phần lớn bà con đến với phòng thuốc này đều là những người nghèo, mắc đủ các loại bệnh khác nhau, đã đi chữa chạy nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Ông Nguyễn Phước Hoa - Phó ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực - cho biết: “32 năm rồi nếu nói số thuốc phát cho bà con thì đếm không xuể. Ở đây chúng tôi nhận được tình thương yêu của bà con nên họ cũng chung tay đóng góp hỗ trợ cho các hoạt động chữa trị. Người góp của, người góp công, người vào làm chặt thuốc phụ giúp. Chúng tôi mong muốn giúp cộng đồng việc thiện và được hồi đáp bằng những việc thiện thì không gì quý hơn”.
Hơn 10 năm tham gia tổ chặt thuốc cho phòng thuốc nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (người dân thành phố Rạch Giá) chia sẻ: “Hàng ngày sắp xếp việc nhà xong thì mình tranh thủ sang chặt thuốc. Tôi thấy cũng không mệt gì mà bà con cùng đến làm rất vui, rất đoàn kết chia sẻ với nhau dù ai cũng là người xa lạ. Lớn tuổi rồi mình làm được gì làm, miễn giúp được người là thấy vui trong lòng rồi”.
Hiện nay, ngoài phòng thuốc nam khám và cấp thuốc miễn phí thì ban bảo vệ di tích còn đưa vào hoạt động thêm khoa điều trị vật lý trị liệu tác động cột sống. Tất cả kinh phí do đình và các nhà hảo tâm bỏ ra để mua thuốc cho bà con. 20 máy xung điện được Hội Nam y của tỉnh Vĩnh Long vận động hỗ trợ cho mượn thời gian đầu hoạt động.
Tất cả hoạt động của cán bộ và lương y tại đây đều là hoạt động công ích không lương nhưng ai nấy đều rất nhiệt tình. Ông Nguyễn Phước Hoa cho biết thêm, đình cũng trích một phần kinh phí hỗ trợ xăng xe đi lại cho các cán bộ tại đây nhưng không đáng kể, mỗi tháng chỉ khoảng vài trăm ngàn. Cái quan trọng nhất là tấm lòng họ dành cho công việc thiện nguyện này thì không gì có thể trả hết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn