MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thắp hy vọng, vẽ ước mơ cho trẻ mồ côi vùng núi

THUỲ TRANG LDO | 11/01/2023 08:56

“Nhà con nghèo lắm, ba mất, mẹ một mình nuôi chị em con. Ước mơ đối với con xa vời quá, con chỉ mong sau này có thể làm công nhân để kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em” – dòng chia sẻ của em Hồ Thị Nhi, học sinh lớp 4/3 tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam khiến nhiều người bất ngờ. 10 tuổi, ước mơ của em không phải là đến trường mà là có một công việc để đỡ đần cho gia đình thiếu vắng người cha. 

Mong gia đình đủ ăn, làm công nhân phụ mẹ nuôi em

Là một trong những hoạt động cuối năm của nhóm tình nguyện đang nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho khoảng 100 học sinh mồ côi vùng núi Quảng Nam, những bức thư tay viết về ước mơ của em được gửi tới những mạnh thường quân ở khắp mọi nơi. 

Đi học ở miền núi đã là điều chẳng dễ dàng với các em nhỏ, bởi dân trí nhiều nơi còn chưa cao, chưa chú trọng việc học. Rồi thời tiết khắc nghiệt, quãng đường đến các điểm trường có nơi mất vài giờ đồng hồ. Vậy nên, với những đứa trẻ mồ côi, con đường đến trường càng khó khăn gấp nhiều phần.

  Ước mơ được làm công nhân để kiếm tiền lo cho gia đình của em Nhi. Ảnh: Nguyễn Tú

“Nhà con rất nghèo, không có ba, mẹ bị bệnh. Đôi khi mẹ cứ gào thét. Con vừa đi học vừa chăm mẹ” - là dòng chia sẻ của em Hồ Thanh Bảo, lớp 5/1 tại xã Trà Tập. 11 tuổi em đã hiểu rõ những món quà tặng gửi về hàng tháng là khoản tiền quý giá để hai mẹ con trang trải cuộc sống.

Đó chỉ là một trong những hoàn cảnh khiến bất kỳ ai cũng thắt lòng khi biết đến. Nhiều học sinh vùng núi mồ côi cha mẹ phải ở với gia đình ông bà, với cô chú. Cuộc sống không dư giả, nay thêm miệng ăn càng khiến cho con đường đến trường của các em khó khăn. Có em thì mồ côi cha mẹ từ lớp 8, phải tự lo và quán xuyến cho các em nhỏ hơn, bao nhiêu bộn bề cuộc sống dồn lên đôi vai bé nhỏ 1 đứa trẻ. Có em mới lớp 4 đã phải mưu sinh với gùi cây keo lên đồi để kiếm tiền nuôi mẹ chữa bệnh.

Cũng vì vậy, ước mơ của các bạn nhỏ đôi khi chỉ là “mỗi ngày được đến lớp. Lúc còn nhỏ em không được đi học như các bạn khác. Thấy các bạn đi học em rất thích...”. “Em chỉ ước gia đình em đủ ăn, đủ mặc…” hay “Em ước mơ ba em sống lại…”.

Rồi cũng có những đứa trẻ hiểu chuyện đến độ “con chỉ mong sau này có thể làm công nhân để kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em” - dòng chia sẻ của em Hồ Thị Nhi khiến ai cũng bất ngờ. Chẳng xa vời làm bác sĩ, kỹ sư, cô giáo, cuộc sống quá khó khăn khiến em chỉ nghĩ đến việc có được công việc để lo cho gia đình. 

Tiếp sức cho những ước mơ

Trước những câu chuyện, hoàn cảnh khó khăn đó của các em, một nhóm từ thiện tại Đà Nẵng đã kêu gọi các mạnh thường quân chung tay góp sức hỗ trợ. Cụ thể, định kỳ hàng tháng, mỗi em nhỏ trong chương trình sẽ nhận được 500.000 đồng để trang trải sinh hoạt phí cho chính em và gia đình. Các em sẽ được hỗ trợ đến năm 18 tuổi với điều kiện là không được nghỉ học giữa chừng. 

  Chương trình hỗ trợ mang tên "Đi học trên núi" đang giúp gần 100 em nhỏ mồ côi. Ảnh: Nguyễn Tú

Anh Nguyễn Ngọc Huy, một trong những người đang nhận “đỡ đầu”, hỗ trợ 2 em nhỏ tại xã Trà Cang chia sẻ, đây là chương trình dài hơi, rất cần sự chung tay, góp sức và ủng hộ của các mạnh thường quân gần xa. “Mỗi người một ít; chúng ta cùng giúp các bạn nhỏ hoàn cảnh hiện tại và kiến tạo tương lai thông qua giáo dục. Chúng tôi mong các em hãy cố gắng vượt qua những khó khăn để tiếp tục con đường đi học. Bởi, chỉ có học tập mới có thể giúp các em có được cuộc sống tốt hơn” – anh Huy nói. 

Với sự sẻ chia ấy, đến nay, gần 100 em học sinh mồ côi, khó khăn của 8 trường Tiểu học Trà Tập, Trà Dơn, Trà Cang, THCS Trà Cang, Trà Linh, Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My, Tiểu học A Ting và Sông Côn (Đông Giang) đang được nhận hỗ trợ hàng tháng. Có mạnh thường quân nhận đỡ đầu hẳn một trường hợp cụ thể. Cũng có những người góp sức 50.000 đồng/tháng hay 500.000 đồng/tháng nhưng chỉ nhắn “góp chung” vì sự không thể theo đường dài. 

Nhưng, dù là góp bao nhiêu và đi cùng các em bao lâu thì chính nhờ những tấm lòng ấy, những ươc mơ sẽ được tiếp sức. Các thầy cô giáo đã có thể nói với các em về một ngày sau khi tốt nghiệp cấp 3, các em có thể vừa đi học vừa đi làm. Các em có thể mơ ước làm bác sĩ, cô giáo... 

Anh Phạm Minh An, một trong những mạnh thường quân của chương trình chia sẻ: “Chúng tôi không dám nhận là người đỡ đầu hay nuôi các em, bởi để một đứa trẻ có thể ăn học nên người là công sức của cha mẹ, thầy cô và sự chung tay của toàn xã hội. Chúng tôi chỉ mong những món quà nhỏ hàng tháng sẽ tiếp thêm hy vọng cho các em, để các em có thêm bữa ăn no, thêm chiếc áo ấm, được đến trường và có thể tự do vẽ lên ước mơ, dám theo đuổi ước mơ của mình”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn