MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thầy giáo mù nuôi “khát vọng” cho những mảnh đời khiếm thị

HỒ THẢO LDO | 12/05/2022 06:00

Vào các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần, tại Hội Người mù (phường 7, TP.Sóc Trăng) diễn ra lớp dạy đàn, hát cho người khiếm thị của thầy giáo khiếm thị Trần Bá Quang. Đây được xem là nơi đào tạo âm nhạc đầu tiên một cách bài bản, dành cho người kém may mắn ở tỉnh Sóc Trăng.

Khát vọng hòa nhập

Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong lớp, Danh Thị Tuyền (16 tuổi, huyện Châu Thành) cho biết, từ nhỏ mắt mình đã không nhìn thấy. Nhà ở thôn quê vắng vẻ không có bạn bè chơi cùng nên Tuyền cảm thấy rất cô đơn. Cách đây khoảng nửa năm, tình cờ biết được có lớp dạy nhạc cho người khiếm thị, Tuyền đã thuyết phục gia đình cho theo học. Ở đây, Tuyền có bạn cùng trang lứa và đặc biệt được thỏa niềm đam mê, âm nhạc của mình.

“Em có 2 mơ ước trong đời, thứ nhất, được nhìn thấy gương mặt ba mẹ, đó là điều khó thành hiện thực. Thứ hai, được đứng biểu diễn trên sân khấu, vì em rất thích đàn và hát. Trước đây, em cũng mặc cảm vì đôi mắt mù lòa, cũng may được thầy Quang dạy đàn, dạy hát. Em sẽ phấn đấu học thật giỏi và xa hơn nữa là mong muốn có thể biểu diễn âm nhạc để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ” - Tuyền chia sẻ.

Thầy Quang đang dạy nhạc cho các em khiếm thị ở Sóc Trăng. 

Việc học đàn, hát đối với người khiếm thị thật sự không đơn giản. Lý Thị Mỹ Hương (phường 2, TP.Sóc Trăng) - cho biết, em cảm thấy khó nhất là học guitar. Có những lúc dường như muốn bỏ cuộc vì việc học khó hơn rất nhiều so với mình hình dung. Những ngày đầu, ngón tay Hương đau ê ẩm và chai sần khi luyện. Thế nhưng, hiện tại Hương có thể đàn và hát thuần thục nhờ sự hướng dẫn đầy tâm huyết của thầy Quang.

“Kỷ niệm làm em nhớ nhất là hồi đầu năm, có đoàn khách đến thăm và xem nhóm em biểu diễn. Hôm đó, các bạn ngồi đàn cho em hát bài "Lòng mẹ". Khi kết thúc bài hát, theo như lời kể lại, đoàn khách không ai kìm được cảm xúc. Em nghe những tràng vỗ tay tán thưởng rất lớn, điều đó làm em rất hạnh phúc” - Hương thổ lộ.

Vừa qua, nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17.4.1969 - 17.4.2022), Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng chính thức cho ra mắt ban nhạc “Khát vọng” gồm 16 thành viên và được khán giả đón nhận nồng nhiệt khi biểu diễn tại một trung tâm hội nghị ở TP.Sóc Trăng.

Ban nhạc "Khát vọng" với thông điệp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khiếm thị. 

Thầy Quang cho biết, ban nhạc “Khát vọng” với mong muốn thể hiện khát vọng hòa nhập, khát vọng cống hiến hết mình, khát vọng được xã hội nhìn nhận năng lực của người khiếm thị và khát vọng có tương lai tươi đẹp hơn.

Giấc mơ ban nhạc nữ khiếm thị đầu tiên ở Miền Tây

Thầy Quang chia sẻ, khó khăn nhất là dù có niềm đam mê nhưng việc học âm nhạc của người khiếm thị tốn rất nhiều thời gian, giáo viên phải hỗ trợ học viên nhận biết cấu tạo của nhạc cụ. Bản thân thầy cũng tự mày mò nghiên cứu chuyển nốt nhạc từ chữ đen sang chữ nổi để dạy cho các em. Lúc đầu, lớp học chỉ có vỏn vẹn 2 cây đàn guitar cổ điển, thầy Quang cũng là người đi vận động các mạnh thường quân ủng hộ nhạc cụ để các em tập luyện.

Căn phòng nhỏ nơi thầy Quang dạy nhạc cho các em khiếm thị. 

"Bản thân tôi cũng là người mù, vì vậy tôi muốn thông qua âm nhạc gửi gắm tâm tư tình cảm của mình. Qua lớp học này hy vọng sẽ góp phần bồi dưỡng rèn luyện tài năng âm nhạc của người khiếm thị cũng như xa hơn muốn tạo việc làm và thu nhập cho họ có cuộc sống tốt hơn. Trong tương lai tôi còn ấp ủ muốn lập một ban nhạc nữ khiếm thị đầu tiên tại miền Tây có thể vừa đàn vừa biểu diễn, phục vụ văn nghệ” - thầy Quang thông tin thêm.

Nhạc sĩ Trương Thanh Bình - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Sóc Trăng - nhận xét: “Đối với người khiếm thị, để dạy được nhạc cho họ phải tốn công sức gấp nhiều lần so với người bình thường. Khó khăn nhất là soạn nốt nhạc thành chữ nổi để dạy học viên. Hay một động tác trên dây đàn, ngón tay phải nhớ nốt, nhớ ký tự. Để ra mắt thành công ban nhạc, các em cơ bản có thể chơi nhạc như hiện nay là tâm huyết rất lớn của thầy Quang”.

Ông Hoàng Xuân Luyện - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng - cho biết: "Các em trong ban nhạc Khát vọng của thầy Quang đa số có năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Khi được chơi nhạc tinh thần các em vui vẻ lạc quan hơn, qua đó lan tỏa hình ảnh tích cực của người khiếm thị. Trong thời gian tới Hội có kế hoạch kết hợp với Sở LĐTBXH kêu gọi mạnh thường quân tài trợ dạy nhạc cho tất cả người khiếm thị có đam mê, để họ có một cái nghề”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn