MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Kỳ tổ chức các nhóm học sinh với nhau để hỗ trợ cho học sinh khuyết tật. Ảnh: H.K

Thầy giáo nâng bước trẻ khuyết tật đến trường

THANH TUẤN LDO | 22/06/2022 07:18

Để giúp trẻ khuyết tật ở huyện Đức Cơ, Gia Lai được đến trường học tập như bao học sinh bình thường khác, thầy giáo Hồ Đức Kỳ (SN 1982) - Giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ đã có những sáng kiến hữu ích.

Xây dựng nhóm hỗ trợ học sinh khuyết tật

Theo thầy Kỳ, công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ đã bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật trên địa bàn 3 xã IanNam, IaDom, IaPnôn, huyện Đức Cơ. Tục ngữ có câu “học thầy không tày học bạn”, thầy Kỳ nhận thấy học sinh có nhiều thuận lợi hơn so với người lớn trong việc giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, đặc biệt là việc hỗ trợ các bạn bị khuyết tật.

Thầy và các giáo viên khác tổ chức xây dựng nhóm hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng học trên lớp đòi hỏi sự trao đổi qua lại tích cực giữa các học sinh. Điều này có tác động tích cực đối với các em khuyết tật như: Tăng cường động cơ học tập, khuyến khích nảy sinh hứng thú mới, kích thích sự giao tiếp…

Thầy cô giáo còn xây dựng các nhóm hỗ trợ về ngôn ngữ đọc, viết. Ở các nhóm này, giáo viên tập trung vào mục tiêu giải quyết những khó khăn trong đọc văn bản và kỹ năng viết (bao gồm cả viết đúng nội dung và phần chính tả, hình thức chữ viết) của học sinh khuyết tật.

Các hình thức hỗ trợ trong nội dung này có thể thực hiện linh hoạt cả ở trên lớp, trong giờ ra chơi hoặc ở nhà để học sinh khuyết tật có thể tự luyện tập dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của học sinh bình thường khác. Giáo viên cũng thường xuyên theo dõi hiện trạng chữ viết của các bạn học sinh khuyết tật, xác định nguyên nhân các bạn viết chữ xấu (cách cầm viết, tư thế ngồi, khó khăn do khuyết tật, tâm lý khi viết…), từ đó lựa chọn phương pháp giúp đỡ cho phù hợp.

Thầy cô là tấm gương

Thầy cô cũng thường xuyên biểu dương những tấm gương về sự cố gắng, nỗ lực thay đổi cách viết. “Nét chữ là nét người” - sự cố gắng, nỗ lực của các bạn học sinh trong rèn luyện chữ cần được ghi nhận và khuyến khích phát huy trong toàn thể lớp học - đây cũng là điều mà giáo viên cần biết để động viên học sinh khuyết tật.

Ngoài ra, các kênh truyền thông khác như trang Facebook, Zalo của Đoàn trường, của chi đoàn lớp cũng cập nhật liên tục các hoạt động, việc làm giúp đỡ các bạn khuyết tật. Vai trò, chức năng của nhóm cộng đồng rất quan trọng góp phần đổi mới nhận thức về học sinh khuyết tật trong cộng đồng dân cư và gia đình học sinh khuyết tật; Tư vấn cho gia đình về các khó khăn trong học tập của học sinh khuyết tật để giúp đỡ, tạo niềm tin cho họ… Tất cả góp phần lan tỏa niềm tin, sự chia sẻ, yêu thương tới học sinh khuyết tật trong nhà trường.

Thầy Hồ Đức Kỳ chia sẻ: “Nhà trường sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các thầy cô và các bạn trong lớp học, xoá bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật, tránh làm tổn thương các bạn. Ở lớp, trường tổ chức nhiều hơn các buổi ngoại khoá, cuộc thi, hoạt động vui chơi để lôi kéo các bạn học sinh khuyết tật tham gia nhiều hơn nữa…”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn