MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dược sĩ Đỗ Tiến Sỹ hướng dẫn người dân thu hoạch hoa, củ cây Atiso. Ảnh: Kim Tuyến

Thầy thuốc bỏ phố lên núi phát triển vùng dược liệu giúp đồng bào thoát nghèo

Kim Tuyến LDO | 30/10/2023 10:01

Gia đình sống ở Thủ đô, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội và có công việc ổn định tại một công ty dược phẩm hàng đầu tại Hà Nội, nhưng Thầy thuốc ưu tú Đỗ Tiến Sỹ đã lựa chọn lên Sa Pa (Lào Cai) để cùng bà con phát triển vùng trồng dược liệu an toàn.

Năm 2010 khi quyết tâm lên Lào Cai, dược sĩ Đỗ Tiến Sỹ đang là Phó Trưởng phòng nghiên cứu thuốc của một của công ty lớn về ngành dược. Anh nung nấu ý tưởng cùng bà con xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ việc bào chế thuốc giải độc - lợi mật - nhuận gan - thông tiểu theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại mảnh đất này.

Anh Sỹ tâm sự, niềm đam mê nghiên cứu dược liệu gắn với hành trình trải nghiệm cuộc sống khắp các tỉnh Tây Bắc. Sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa đồng bào vùng cao đã giúp anh hòa nhập nhanh chóng và đồng hành cùng người dân bản địa để tạo dựng liên kết phát triển vùng trồng dược liệu.

Từ những tri thức về dược liệu và kinh nghiệm thực tế của bản thân, anh hiểu rằng, Sa Pa là vùng đất có thổ nhưỡng thích hợp với các cây thuốc quý có hàm lượng hoạt chất khác biệt, cao hơn nhiều vùng khác trong cả nước.

Thời gian đầu “đánh thức” các loại dược liệu, những dự án của anh và cộng sự không đạt được hiệu quả. Sau nhiều thất bại, anh Sỹ đã tìm được câu trả lời, đó là phải có sự liên kết trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo thành chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ một cách bền vững.

Nhờ nỗ lực miệt mài, cầm tay chỉ việc, cùng ăn cùng làm với đồng bào và chính sách hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương, toàn bộ dược liệu Atiso và chè dây của công ty anh đã tìm được thị trường tiêu thụ.

Sau 13 năm làm việc tại Sa Pa, anh Sỹ và công ty đã mở rộng diện tích vùng trồng dược liệu từ 3ha lên gần 100ha, với gần 200 hộ dân tham gia. Riêng Atiso, sản lượng đã tăng từ 100 tấn lá tươi lên gần 2.000 tấn/năm.

Sự phát triển của đơn vị cũng tạo sự lan tỏa trong việc bảo tồn các loại cây thuốc quý khác, tạo việc làm và giúp rất nhiều hộ dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

“Việc phát triển kinh tế vùng dược liệu không chỉ giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thoát nghèo mà còn mang lại các lợi ích khác như đảm bảo bình đẳng giới, làm chủ kinh tế của phụ nữ trong gia đình” - anh Sỹ bày tỏ.

Chia sẻ với PV, ông Trần Mạnh Hùng - Trưởng phòng kinh tế thị xã Sa Pa - cho biết: "Trước đây, người dân chỉ biết trồng cây lúa, thu nhập thấp. Với sự giúp đỡ của anh Đỗ Tiến Sỹ, đời sống của bà con đã được cải thiện rõ rệt''.

"Chúng tôi muốn phát triển sâu hơn việc tích hợp thảo dược với du lịch. Vì vậy, từng hộ phát triển có thể làm du lịch trải nghiệm. Ngoài Atiso có thể trồng thêm chè dây, đương quy… từ đó phát triển du lịch cộng đồng” - Trưởng phòng kinh tế thị xã Sa Pa nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn