MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Theo cô giáo vùng cao đến nơi không điện, không đường

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 10/10/2021 10:12

Bản Vàng Lếch 2, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, Điện Biên là nơi không điện, không đường nhưng có 1 cô giáo vùng cao mỗi ngày vẫn vượt suối, băng rừng để đến lớp học đầy tình yêu thương.

Để có mặt ở Trường mầm non Nậm Tin kịp theo chân cô giáo đến lớp, từ trung tâm huyện Nậm Pồ, chúng tôi phải xuất phát lúc gần 5h sáng, mặc dù quãng đường chỉ khoảng 20km.
Khi bản làng còn nhạt nhòa trong bóng tối thì những giáo viên vùng cao đã phải bắt đầu công việc của một ngày mới.
Hôm nào cũng vậy, cô giáo Ly Thị Cộng lại phải có mặt tại điểm trường trung tâm trước 6h sáng, nhận thực phẩm nấu bữa trưa cho học sinh, sau đó tự chèo bè qua suối.
Do không có đường, không có cầu nên mỗi ngày, cô giáo vùng cao đều phải đi qua suối đến lớp, kể cả những ngày mưa lũ.
Thực phẩm để nấu bữa trưa cho học sinh cũng phải được gói cẩn thận trong nhiều lớp túi nilon.
Sau khi qua suối, phải tiếp tục leo bộ hơn 1km mới lên đến đỉnh núi. Nơi đây có 1 lớp học mầm non gồm 16 trẻ em.
Mặc dù ngày nào cũng chèo bè, leo núi nhưng để lên được đến lớp cô giáo cũng toát mồ hôi hột, còn chúng tôi thì mệt đứt hơi.
Các em nhỏ thì sáng nào cũng đứng mong cô từng phút.
Ở đây phòng học cũng chưa được đầu tư nên cô giáo và học trò phải mượn tạm ngôi nhà của một gia đình mới được Bộ Công an hỗ trợ theo Chương trình làm nhà cho hộ nghèo tại huyện Nậm Pồ.


Tại điểm trường này, các trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160 nghìn đồng/tháng; trẻ từ 0-2 tuổi không có chế độ ăn trưa nhưng đã được 1 nhóm tình nguyện nhận hỗ trợ 8,5 nghìn đồng/bữa cho mỗi cháu.
Thế nhưng do thực phẩm phải nhập từ trung tâm huyện, nên ngoài số tiền được hỗ trợ, bố mẹ các cháu vẫn phải đóng góp thêm từ 2-3kg gạo mỗi tháng thì mới đủ cho các cháu ăn bữa trưa và bữa phụ.
Nói về những khó khăn, vất vả của cô trò nơi đây, ông Hờ A Lù – Chủ tịch UBND xã Nâm Tin cho biết, thực ra vẫn có 1 con đường vòng đi qua bản Vàng Lếch 1 rồi men theo sườn núi để đến điểm bản Vàng Lếch 2. Nhưng đó là đường mòn, dốc đứng, trơn và rất hẹp nên chỉ người có kinh nghiệm và bản lĩnh mới dám đi xe máy. “Hôm nào trời không mưa mới đi được, mà nếu người đi xe máy cùng xuất phát thì người đi bè và leo bộ vẫn đến trước hàng chục phút…” – ông Lù nói.
Chủ tịch UBND xã Nậm Tin cũng cho biết, xã đã đề xuất phương án xây cầu qua suối nhưng do huyện còn nhiều nơi khó khăn hơn nên chưa thể bố trí kinh phí xây cầu dân sinh tại điểm bản này.
Ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng GDĐT huyện Nậm Pồ thì cho biết: “Chia sẻ với những khó khăn của giáo viên và học sinh, 1 đơn vị đã nhận tài trợ xây dựng 1 phòng học tại điểm trường Vàng Lếch 2. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên chưa triển khai được”.
Về phương án đi lại, hiện chưa có phương án xây dựng cầu nên đơn vị cũng đang kêu gọi kinh phí để cải tạo con đường mòn đi qua điểm bản Vàng Lếch 1. “Nếu phương án này được các nhà hảo tâm ủng hộ thì giáo viên có thể đi vòng xa hơn 1 chút để đến lớp nhưng sẽ tránh được mối nguy hiểm khi phải tự đi bè qua suối, đặc biệt là mùa mưa lũ” – ông Chiến chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn