MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trầm trồ trước những dụng cụ học tập được làm từ rác thải

Hà Phương LDO | 10/01/2021 07:00

Chai nhựa, xốp, nắp chai bỏ đi... đều được thầy trò trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội xin về để tạo thành dụng cụ học tập phục vụ cho việc dạy và học của học sinh.

Từ ngày còn đi học, thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết (24 tuổi, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đã nghĩ về việc làm sao để có thể biến những đồ mọi người không dùng nữa thành những vật hữu ích.
Thầy Quyết cho hay: "Xuất phát từ môi trường và không muốn rác thải trở thành gánh nặng cho xã hội, mình nghĩ nên góp một phần công sức cho môi trường mình làm việc, sinh sống trước. Phần thứ 2 là những dụng cụ học tập sinh động và trực quan giúp học sinh dễ tiếp thu, luôn thích thú với môn học cũng là điều giúp mình có thêm động lực và đam mê với công việc này hơn".
Ban đầu, những mô hình được sử dụng trong 2 môn học Địa lý, Lịch sử.
Đến nay sau hai năm, hầu hết các bộ môn khoa học xã hội trong trường đều được thầy Quyết cùng học trò sáng tạo ra những mô hình học tập trực quan, sinh động và tất cả chúng đều được làm từ rác.
Điểm mới của mô hình, sản phẩm là ứng dụng trực tiếp trong vấn đề giáo dục, sản phẩm do chính các em học sinh làm ra. Nhờ đó mà số lượng rác thải trong trường học giảm đáng kể và giảm được gánh nặng cho người lao công, gánh nặng cho môi trường khi chôn lấp hay đốt sẽ gây ô nhiễm. Theo thầy Quyết vấn đề là bài toán tái chế rác thải thành đồ dùng học tập, ứng dụng trực tiếp trong các môn học được giảng dạy tại trường THPT.
Mô hình được tái chế từ xốp, vỏ chai, ống hút...
Cùng với sự nghiên cứu tỉ mỉ và sức sáng tạo, thầy Quyết cùng các em học sinh đã cho ra những mô hình hữu ích cho việc học tập.
Chia sẻ về quá trình thực hiện ý tưởng thầy Quyết nói: "Ban đầu mình truyền cảm hứng và giúp các em học sinh hình thành thói quen phân loại rác thải, chai nhựa, túi nilông để cuối góc lớp. Sau đó sẽ là thu gom rác. Kết thúc mỗi tiết học, mình sẽ lấy rác về làm sạch, phơi khô và đem đi lưu trữ. Hễ môn học nào "đặt hàng" mô hình giảng dạy là thầy và trò lại tìm tòi, định hình xem cần tái chế từ loại rác nào".
Nhà trường có những khu vực trồng cây trong những chậu được tái sử dụng từ những chai nhựa cũ.
"Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho thầy trò chúng tôi. Những tác động tích cực cho môi trường và cả sự hào hứng của học sinh, nhân viên trong trường chính là động lực cho tôi và các em học sinh" - Thầy Hữu Quyết chia sẻ.
Trong thời gian sắp tới, thầy trò của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội sẽ hướng đến áp dụng tái chế thành đồ dùng học tập trong các môn khoa học tự nhiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn