MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm y tế lưu động tại bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được thành lập để chăm sóc sức khỏe cho người dân sau lũ quét. Ảnh: Thanh Bình

Vợ chồng bác sĩ vùng cao dùng nhà làm trạm y tế lưu động

THANH BÌNH - QUANG ĐẠT LDO | 02/08/2024 10:36

Giữa bản làng hoang tàn sau lũ quét, trạm y tế lưu động giống như ngọn lửa sưởi ấm cho người dân xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra từ ngày 25.7 tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã khiến 7 người chết và mất tích, cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Đường sá bị chia cắt, hàng trăm ngôi nhà vị đổ sập và hư hỏng nặng nề.

Ngày 31.7, ngay sau khi đi kiểm tra và công tác đảm bảo y tế, khắc phục sự cố môi trường tại nơi đã xảy ra lũ quét, ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế Điện Biên đã chỉ đạo khẩn trương thành lập trạm y tế lưu động tại bản Mường Pồn 1 không để người dân phải đến trạm y tế xã cách khoảng 2km, trong khi đường sá đi lại rất khó khăn, liên tục sạt lở.

"Chúng tôi đã đến xã Mường Pồn đề nghị cho mượn 2 phòng để làm trạm y tế lưu động nhưng xã không bố trí được, rất may có vợ chồng bác sĩ đang công tác tại trạm y tế xã đã cho mượn toàn bộ ngôi nhà đang sinh sống để làm trạm y tế lưu động" - ông Phạm Giang Nam cho hay.

Chiếc chạn bát gia đình bác sĩ Lò Văn Phúc được dùng làm tủ đựng thuốc tạm thời.

Chiều cùng ngày, một ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bác sĩ Lò Văn Phúc giữa bản Mường Pồn 1 đã trở thành trạm ý tế lưu động với đầy đủ cơ chế thuốc men - là điểm tựa tinh thần cho người dân giữa bản làng tan tác sau cơn lũ dữ.

Bác sĩ Lò Văn Phúc - cho biết, mặc dù điều kiện còn hạn chế, gia đình đã tận dụng tối đa các vật dụng có sẵn trong nhà như giường ngủ, tủ đựng đồ, thậm chí là chạn bát… để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

“Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện Điện Biên, vợ chồng tôi cũng nhận thấy việc kịp thời chăm sóc sức khỏe cho bà con sau lũ quét là vô cùng cấp thiết. Do đó gia đình tôi đã không ngần ngại dành cả ngôi nhà của mình để thành lập trạm y tế lưu động ngay trong ngày” - bác sĩ Lò Văn Phúc nói.

Ngày 1.8, đã có hàng chục người dân đến khám ngay sau khi trạm y tế lưu động đi vào hoạt động.

Căn phòng khách của gia đình bác sĩ Phúc được bố trí thành phòng khám, chiếc giường ngủ trở thành giường bệnh, chạn bát cũng được tận dụng để làm tủ đựng thuốc...

Thăm khám cho bệnh nhân trong chính căn nhà của mình, y sĩ Quàng Thị Chung - vợ bác sĩ Phúc - cho biết: "Là một người công tác trong ngành y, tôi hiểu rõ nỗi khổ của bà con khi không thể tiếp cận được dịch vụ y tế. Khi lũ rút, vợ chồng tôi quyết định sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ bà con”.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh, cán bộ y tế tại trạm lưu động còn cấp phát thuốc và tuyên truyền để người dân phòng bệnh.

Không chỉ khám chữa bệnh, cán bộ y tế tại trạm lưu động còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước và phòng chống dịch bệnh…

Là một trong những người đầu tiên đến khám tại trạm y tế lưu động, bà Quàng Thị Thơm - bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn, cho biết: “Tôi bị đau chân, đi lại khó khăn, con đường xuống Trạm Y tế xã bị sạt lở nhiều đoạn, Rất may hôm nay có trạm y tế lưu động ngay gần nhà nên tôi đã đến để nhờ bác sĩ thăm khám”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn