MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vượt 30km đường rừng đến lớp học đặc biệt tại Thái Nguyên

Lam Thanh LDO | 15/06/2024 19:12

Thái Nguyên - Để vận động các học viên lớn tuổi đến lớp xóa mù chữ, nắn nót từng nét bút là cả quá trình nỗ lực của các giáo viên, nhiều cô giáo phải lặn lội vượt hàng chục km đường rừng mang kiến thức đến đồng bào vùng cao.

Cứ đều đặn mỗi tối trong tuần, tại nhà văn hóa xóm Tam Va (Đồng Hỷ) lại rộn ràng tiếng ê a tập đọc. Lớp học đặc biệt của đồng bào dân tộc Mông, nhiều người gần 60 tuổi, sống hơn nửa đời người vẫn nắn nót tập viết từng nét chữ.

This browser does not support the video element.

Lớp học xóa mù chữ tại xóm Tam Va. Video: Lam Thanh

Để lớp học luôn đầy ắp 23 chỗ ngồi, các giáo viên tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng đã phải nỗ lực, dành hết tâm huyết để cống hiến với nghề.

Nhà cách lớp học xóa mù chữ hơn 10km, thế nhưng bất kể nắng mưa, cô giáo Đỗ Thị Hợp vẫn sắp xếp đến thật sớm để chuẩn bị cho buổi học.

Cô Hợp cho biết: "Các giáo viên đến sớm để nắm bắt tình hình đi học của học viên. Lớp học đặc biệt, nhiều người ban ngày quần quật làm nương rẫy, thế nên phải vận động mới đi đầy đủ.

Ban đầu, các học viên đều có tâm lý ngại ngùng khi nhiều tuổi rồi vẫn đi học. Sau một thời gian vận động, tâm sự về ý nghĩa của con chữ nên giờ mọi người không còn e ngại".

Cô giáo Đỗ Thị Hợp tập viết cho các học viên. Ảnh: Lam Thanh

Theo cô Hợp, bản thân đã gắn bó với đồng bào Mông ở Tam Va hàng chục năm nay. Dù nhà xa thế nhưng buổi tối lại vượt cả chục km đường rừng để tới lớp. Lúc ra về cũng gần 10 giờ tối, nhiều hôm mưa xối xả lại ở lại cùng bà con Tam Va.

Cũng theo cô Hợp, một trong những trở ngại lớn nhất ở lớp chính là bất đồng về ngôn ngữ. Nhiều khi các học viên trao đổi với nhau bằng tiếng đồng bào. Giáo viên phải nhẹ nhàng, nắm bắt tâm lý khi một số học viên bằng tuổi cha, tuổi chú mình.

Cũng vượt hơn 30km để tới lớp học xóa mù chữ, cô Lưu Thị Thu - Hiệu phó Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng cho biết, mỗi lớp học phân công 2 cô giáo đứng lớp. Nhiều hôm trời mưa thì 3 đến 4 giáo viên cùng đi. Ngoài giảng dạy còn phải trông nom nhiều em nhỏ theo bố mẹ đến lớp.

Các học viên tại lớp học xóa mù chữ xóm Tam Va (Đồng Hỷ). Ảnh: Lam Thanh

"Vất vả nhất là đêm hôm, đường vắng, trời tối lúc ra về thì cũng khá lo. Nhiều hôm trời mưa, đất đá sạt lở đi lại cũng nguy hiểm. Hầu hết là các cô giáo nên đi về muộn cũng sợ. Thế nhưng nhìn thành quả khi các học viên biết viết lại thấy vui. Lớp học ý nghĩa để nâng cao cuộc sống cho đồng bào", cô Thu tâm sự.

Ngày 15.6, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Nguyên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng cho biết, thời điểm bắt đầu tổ chức lớp học gặp rất nhiều khó khăn khi học viên ngại đi học. Các giáo viên phải thường xuyên vận động để sĩ số lớp luôn đầy đủ.

"Ngoài các giáo viên đứng lớp thì ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên có mặt để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các học viên. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa cũng được tổ chức để tăng sự gắn kết.

Mặc dù đi dạy đêm hôm vất vả, đường nguy hiểm, nhiều giáo viên nhà xa hàng chục km nhưng mọi người đều rất vui. Mọi khó khăn đều bị xóa nhòa khi thấy các học viên biết đọc, biết viết", bà Nguyên cho hay.

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng GDĐT huyện Đồng Hỷ, trên địa bàn huyện hiện có 2 lớp học xóa mù chữ ở xóm Tam Va và Bản Tèn với hơn 50 học viên.

Lớp học xóa mù chữ có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Giúp nhiều học viên được thực hiện ước mơ đến lớp, từ đó nâng cao nhận thức, phát triển đời sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn