MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn trong một buổi làm việc tại bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: BV cung cấp.

Xa gia đình và con nhỏ để tăng cường cho tuyến đầu chống dịch COVID-19

Thành An LDO | 14/08/2021 12:00
Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, ngành y tế Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được sự tăng cường hỗ trợ của nhiều đoàn y, bác sĩ đến từ các bệnh viện trong cả nước. Bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh là một trong những người sớm nhất đến hỗ trợ cho địa phương.

Những ngày xa gia đình, xa cô con gái yêu thương

Đến hỗ trợ cho Bà Rịa - Vũng Tàu từ 1.8, điện thoại là phương tiện duy nhất để bác sĩ Sơn ngắm nhìn 2 cô con gái bé bỏng của mình. Mỗi lần gọi điện về nhà, bé Minh Anh - cô con gái 3 tuổi của bác sĩ Sơn lại bi bô hỏi thăm ba. Những hình ảnh tươi vui và tiếng cười của con như đã tiếp thêm động lực để bác sĩ chuyên tâm công tác, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y, có ba là y sĩ trong quân đội nay đã nghỉ hưu, chị gái làm nghề dược. Từ nhỏ, bác sĩ Sơn đã đam mê với nghề y và quyết tâm theo học bác sĩ đa khoa rồi trở thành bác sĩ hồi sức cấp cứu.

Khi được cơ quan thông báo cử bác sĩ đi hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu, bác sĩ Sơn đã xung phong lên đường. Vợ và hai con gửi cho ba mẹ hỗ trợ, trong đó bé nhỏ chỉ mới hơn 4 tháng tuổi. Gia đình tuy rất lo lắng nhưng vẫn ủng hộ hành động của bác sĩ. Mỗi lần gọi điện thoại về nhà, bác sĩ luôn tìm cách trấn an để ba mẹ và vợ con yên tâm.

Hình ảnh cô con gái 3 tuổi của bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn động viên ba khi tham gia tăng cường cho tuyến đầu chống dịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Nhớ gia đình, nhớ con lắm, nhưng vì công việc nên mình phải cố gắng, bởi ở đây còn nhiều bệnh nhân cần mình. Mỗi lần gọi điện, con gái nói Con nhớ ba lắm, rồi đưa bức vẽ tô màu có chữ “Con yêu ba rất nhiều", thì lòng tôi ngập tràn hạnh phúc”, bác sĩ Sơn chia sẻ. Khi tôi nói với con “Hết dịch ba con mình đi biển nha” thì bé rất hào hứng”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

Được biết, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh có 12 bác sĩ thì đã có 8 người lên đường chi viện, với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Lúc cần, bác sĩ cũng là điều dưỡng, là người thân chăm bệnh

Tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Vũng Tàu, cơ sở nằm trên đường 2/9, bác sĩ Sơn thừa nhận, 9 năm trong nghề chưa từng trải qua quãng thời gian làm việc căng thẳng như bây giờ. Hầu hết bệnh nhân COVID-19 khi vào Khoa Hồi sức đều là bệnh nhân nặng nên luôn phải có bác sĩ theo dõi. Không khí làm việc luôn căng thẳng và khẩn trương, không có khái niệm ngày hay đêm.

“Sức khỏe bệnh nhân thường diễn biến rất nhanh, chúng tôi phải thay nhau túc trực để có hướng xử lý kịp thời. Khi bước vào buồng bệnh, chúng tôi gần như kích hoạt mọi giác quan và tư duy cân não để có hướng xử lý phù hợp với diễn biến bệnh của từng ca. Lúc cần bác sĩ cũng là điều dưỡng, là người thân lo cho bệnh nhân mọi việc: cho ăn, vệ sinh răng miệng, thay drap...", bác sĩ Sơn kể lại.

Theo bác sĩ Thanh Sơn, tất cả y bác sĩ đều ý thức rất rõ về mối nguy hiểm của dịch bệnh. Trong quá trình công tác, ngoài kiến thức đã được đào tạo, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định và quy trình sử dụng trang bị, phương tiện bảo hộ; thực hiện theo dây chuyền khép kín, di chuyển 1 chiều... luôn đặt lên hàng đầu.

Rất khó chịu khi phải làm nhiều giờ liên tục trong bộ đồ bảo hộ và lớp khẩu trang N95 dày kín mít, cảm giác đầu lúc nào cũng nóng, mồ hôi ra như tắm. Sau mỗi ca làm việc rời buồng bệnh, các y bác sĩ chỉ muốn uống nước. Bên cạnh đó, bữa ăn cũng thất thường khi liên tục thay đổi đáp ứng công việc chăm sóc cho bệnh nhân. Có khi trưa mới ăn sáng, và chiều mới được ăn trưa....

Thư cảm ơn của Bí thư tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đến Thạc sĩ - Bác sĩ Đỗ Trường Thanh Sơn.

Bên cạnh những vất vả, áp lực trách nhiệm lớn khi các ca nặng luôn có nguy cơ tử vong cao... là niềm vui khi điều trị thành công, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Bác sĩ Sơn hào hứng kể : “Một bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi được xếp vào nhóm nguy cơ tử vong rất cao vì mắc nhiều bệnh nền, khó cai máy thở và phụ thuộc vào thuốc ngủ. Sau nhiều ngày điều trị, cùng với sự nỗ lực của các y, bác sĩ, bệnh nhân này đã cai được máy thở. Lúc bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, ai nấy đều rất vui và hạnh phúc”.

Với tinh thần nhiệt huyết và tôn chỉ của ngành nghề, đội ngũ các y bác sĩ luôn tâm niệm phải làm sao để cứu được nhiều người hơn, đáp đứng được sự kỳ vọng, tin tưởng của người bệnh, của nhân dân. Nỗ lực hết sức mình cùng ngành y tế cả nước kiên cường chiến thắng dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn