MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những sản phẩm do chính tay Hạnh Nguyên làm ra. Ảnh: Hoài Anh

Xưởng đồ chơi từ vải tái chế của nữ 8x và những món quà khơi mạch tư duy

DUY ANH - HOÀI ANH LDO | 08/01/2021 07:00
Trong căn phòng nhỏ trên phố Thụy Khuê, Bùi Hạnh Nguyên (sinh năm 1988) đang ngày ngày cho ra những sản phẩm đồ chơi trẻ em đầy tính sáng tạo từ vải gai dầu có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên và quần áo búp bê được làm từ vải vụn tái chế.

Hạnh Nguyên - cô gái tốt nghiệp Đại học Ngoại thương nhưng bất chợt bén duyên với thời trang và thiết kế. “Ở thời điểm 10 năm trước, mình làm việc tại công ty nước ngoài, thu nhập ổn định, cuộc sống "trong mơ". Khi đó, mình không hề nghĩ sẽ có ngày mình vùi đầu trên bàn may ngẫm nghĩ về vải vóc”, Hạnh Nguyên kể lại.

Với Hạnh Nguyên, công việc mang tính rập khuôn không phù hợp với định hướng tự do của cô. Ngay cả trong ngành thời trang cũng vậy, thiết kế của cô cũng bị áp đặt vào xu hướng “mốt” bây giờ khiến cô cảm thấy "bí bách". Từ hoàn cảnh đó, cô bắt đầu nghĩ về một thương hiệu của riêng mình, với những giá trị tự thân và làm lợi cho môi trường, xã hội.

Nghĩ là làm, Hạnh Nguyên tham gia các khóa trao đổi với nước ngoài và liên hệ bạn bè trong giới thủ công để học hỏi. Sau đó cô lại dồn toàn bộ tiền tiết kiệm của mình, tới vùng cao để tìm hiểu nghề dệt vải gai dầu, trồng bông của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cứ như vậy, hai năm trôi qua với vốn sống, vốn nghề ngày một dạn dĩ, Hạnh Nguyên bắt tay vào xây dựng Touched.Studio – phòng may chuyên làm đồ thủ công có nguồn gốc từ nguyên liệu bông mịn, vải gai dầu và vải thừa. Cô mong muốn thay đổi thói quen tiêu dùng của những người xung quanh và góp phần bảo vệ môi trường.

Màu sắc của vải cũng được nhuộm cẩn thận từ các loại cây chàm, cây mật gấu, củ nâu, củ dền… nên phụ huynh cũng hoàn toàn có thể yên tâm, không lo sợ con mình vô tình ngậm hay cắn đồ chơi.

Hạnh Nguyên mày mò may những miếng vải thừa thành quần áo cho búp bê. Ảnh: Hoài Anh

Sản phẩm đồ chơi của Hạnh Nguyên khá tinh tế, từ thiết kế đến đường may đều tỉ mỉ, mang tính thủ công cao. Với những mảnh vải thừa, Hạnh Nguyên biến chúng thành nhiều bộ trang phục ngộ nghĩnh cho búp bê, đồ dùng văn phòng và cả phụ kiện.

Vải thừa để tái chế mà Hạnh Nguyên sưu tầm chủ yếu do cô xin từ những cửa hàng may trong thành phố, người quen,... Mặc dù vậy công đoạn lựa vải là một thử thách mất khá nhiều thời gian với Hạnh Nguyên và nhóm đồng hành. Bởi không phải loại vải nào cũng giữ được tính ứng dụng, vải thừa bị cắt xén quá nhiều, mất góc cũng sẽ không thể sử dụng cho việc thiết kế lại.

Cô chia sẻ ngoài việc muốn bảo vệ môi trường, đồ chơi của Touched.Studio cũng phải khơi mạch sáng tạo cho trẻ nhỏ. Bằng tâm niệm đó, Hạnh Nguyên đã cho ra loạt sản phẩm riêng đó là những bé Mắm, bé Sữa, bé Lá… ngoài được nhồi bông mịn còn sở hữu riêng “tủ quần áo” thiết kế từ vải tái chế để tùy ý thay đổi. Mỗi bộ trang phục đều có gắn khuy, giúp các bé có thể học thêm kỹ năng mở nút áo.

Hiện tại, Hạnh Nguyên đang lên kế hoạch để cho ra thêm những mẫu đồ chơi mới sáng tạo hơn và mang đậm tính dân tộc. "Mình muốn đồ chơi của mình không chỉ dừng lại là đồ chơi, mà muốn nó có thể giúp các bé học hỏi nhiều hơn về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Sắp tới mình sẽ đẩy mạnh khai thác đồ chơi gắn với truyền thuyết", Hạnh Nguyên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn