MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày ông Chánh tạo ra "bức tường xanh" tình trạng người dân treo rác lên hàng rào cũng giảm dần. Ảnh: Anh Tú

Căn nhà nhuộm hồng bằng những chậu cây tái chế

Minh Tâm - Anh Tú LDO | 14/06/2024 06:00

3h sáng, ông Phan Văn Chánh (69 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) lọ mọ cầm ống dây tưới hàng chậu cây treo trên cổng và hàng rào đường sắt đối diện căn nhà. Đó là những chậu cây xanh được ông tái chế lại từ những chai nhựa bỏ đi.

Hô biến các chai nhựa bỏ đi thành “bức tường cây” nhuộm hồng

Ông Chánh vốn là cán bộ văn thư trong một cơ quan nhà nước, hiện đã về hưu. Sau khi mẹ và người con trai duy nhất qua đời, ông sống cùng cháu nội. Mấy năm trước, cháu gái đi lấy chồng nên ông sống một mình từ đó. Để tạo niềm vui tuổi già, ông tái chế chai nhựa trồng cây, chăm sóc nhà cửa, giữ gìn khu phố sạch đẹp.

Ông bắt đầu “nhuộm hồng” không gian sống của mình bằng những rác thải nhựa bỏ đi từ năm 2020. Tất cả vật dụng tái chế này đều được ông sơn màu hồng.

“Bức tường phía trước nhà do chính tay tôi trang trí bằng cách treo nhiều chậu cây, hoa cảnh. Số hoa cảnh này được trồng trong những vỏ chai, lọ nhựa tái chế có màu sơn cùng tông màu với ngôi nhà” - ông Chánh nói.

Vốn dĩ chọn màu hồng tô điểm lên những chậu cây, bởi ông thích nhìn sự tươi tắn, trẻ trung. “Nhiều người hay nói: “Cuộc sống màu hồng hay hãy nhìn đời bằng con mắt màu hồng” vì có thể đây là màu mang ý nghĩa tươi đẹp" - ông Chánh giải thích lý do.

Theo ông Chánh trước đây, người dân hay có thói quen vứt bỏ chai nhựa hoặc treo bọc rác quanh hàng rào phía trước nhà. Ghét cảnh nhếch nhác, hôi thối, mất vệ sinh, ông nhiều lần thu gom, dọn rác. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn liên tục tiếp diễn khiến ông nghĩ đến chuyện trồng cây rồi treo lên hàng rào.

Sau khi hình thành khu vườn nhỏ ở trong nhà với các chậu trồng cây sơn màu hồng, ông Chánh nghĩ đến việc tạo mảng xanh cho phần mặt tiền căn nhà. Do không có diện tích để trồng cây, ông quyết định tận dụng vỏ chai, lọ nhựa cũ để làm chậu trồng cây rồi treo lên mảng tường trước nhà. Đến nay ông đã tận dụng khoảng 500 vật dụng nhựa bỏ đi để làm chậu cây xanh này.

Ông chia sẻ: “Từ khi tôi trồng những chậu cây này, không còn tình trạng người dân đến treo rác lên hàng rào, vứt bừa bãi ở lề đường nữa” - ông nói và cho biết, đó là động lực giúp ông tiếp tục tái chế rác thải bỏ đi thành mảng xanh có ích cho môi trường.

Ngoài ra, ý thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, nhiều năm qua, bản thân ông Chánh cũng đã áp dụng việc này ngay tại nhà.

“Khi có chương trình đổi rác lấy cây, tôi lại đem số chai nhựa này đi đổi cây xanh về trồng vào cái chậu tái chế ở nhà. Tôi nghĩ mỗi người chung tay góp một ít thì lượng rác thải nhựa sẽ giảm dần và môi trường ngày càng sạch đẹp hơn” - ông Chánh bộc bạch. Hiện, một số người cũng tìm đến nhà ông Chánh học hỏi mô hình.

Hô biến rác thải nhựa thành hẻm xanh

Những chai nhựa, bình nước tưởng chừng như vứt bỏ thì nay được người dân tại hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, tái chế thành chậu cây xinh xắn dễ thương, góp phần cải thiện môi trường ngày càng tươi đẹp.
Con hẻm dài gần 30m, được phủ xanh các loại cây cảnh như dương sỉ, trầu bà cùng với các loại cây ăn lá như tía tô, bạc hà…

Ngoài ra, con hẻm còn được điểm tô thêm màu sắc của các vỏ chai nhựa, bình nước đã qua sử dụng của người dân.

Mô hình “khu phố xanh mướt” này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nơi đây. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (64 tuổi) - Trưởng ban Điều hành Khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 - chia sẻ: “Thời gian đầu, chúng tôi cùng chị em Hội phụ nữ Khu phố 6 tự bỏ tiền túi để làm dự án. Sau đó, những người ở khu phố tự nguyện góp cây, bón đất, thay phiên nhau chăm sóc góp phần làm đẹp thành phố”.

Để khuyến khích người dân hưởng ứng, Ban điều hành Khu phố 6 cũng có nhiều phong trào thu gom rác thải nhựa, đổi bình cũ lấy thực phẩm như gạo, muối, rau củ… Sau khi thu gom sẽ được tái chế bằng cách cắt gọt khéo léo, tạo hình thù độc đáo, bắt mắt để làm các chậu cây.

Nhiều năm qua, tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ Cao, TP Thủ Đức) đã triển khai phân loại rác tại nguồn, nhất là khu vực nhà ăn.

Tại đây, công ty sắp xếp từng thùng đựng riêng để phân loại rác từ thực phẩm thừa đến lon nước ngọt, chai nhựa, ống hút, ly nhựa tái sử dụng… công nhân sau khi sử dụng xong phải bỏ vào đúng quy định.

Theo anh Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, mỗi khu vực phân loại rác đều gắn camera theo dõi, nếu nhân viên nào vi phạm sẽ có hình thức nhắc nhở hoặc xử phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn