MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những điều về nền móng trong xây dựng nhà bạn nên biết

Huỳnh Phương (T/H) LDO | 26/05/2023 16:00

Khi xây dựng công trình nhà ở thì không thể bỏ qua bước thi công nền móng. Nền móng đóng vai trò quan trọng trong bất kì công trình nào, một ngôi nhà muốn đẹp, vững chắc thì nền móng phải chắc và an toàn. Việc nắm rõ các khái niệm về nền móng và quy chuẩn cơ bản sẽ giúp việc thi công của bạn được dễ dàng hơn.

Nền móng là tổng hợp của hai yếu tố nền và móng, nền móng cũng có thể gọi là nền đất, được chôn sâu và kĩ dưới lòng đất, nơi chịu toàn bộ các tải trọng của công trình. Một công trình xây dựng có nền móng vững chắc thì càng kiên cố.

Một công trình xây dựng có nền móng vững chắc thì càng kiên cố . Ảnh; Huỳnh Phương

Nền là chiều dày lớp đất, đá nằm dưới đáy móng, lớp nền này có tác dụng tiếp thu tải trọng công trình bên trên do móng truyền xuống. Từ đó phân tán tải trọng, lực đó ra xung quanh, bên trong nền. Còn móng là bộ phận kết cấu dưới của công trình, có tác dụng liên kết với cột, tường để có tác dụng chịu lực… Mặt tiếp xúc giữa đáy móng với nền bắt buộc phải phẳng, nằm ngang, không có độ dốc.

Nền móng công trình và nền móng nhà ở cơ bản tương tự nhau, tuy nhiên, cấu tạo, độ dày và loại móng sẽ khác nhau khi xây dựng từng công trình. Loại móng sẽ phụ thuộc vào tải trọng, số tầng, loại đất nơi xây dựng công trình.

Phần kết cấu móng chiếm một tỉ trọng đáng kể trong giá thành xây dựng phần thô công trình. Với những công trình có tầng hầm, phần móng - cọc có thể chiếm từ 30% - 40% giá thành xây dựng phần thô công trình.

Khi thi công xong phần kết cấu, toàn bộ phần móng được lấp lại, vì vậy nếu có sai sót, rất khó phát hiện, nếu có phát hiện cũng rất khó khắc phục. Do đó, khi xây dựng phần móng cần thi công thật kĩ lưỡng để đảm bảo an toàn cho công trình.

Bên cạnh đó, việc thiết kế nền móng nếu không được tính toán cẩn thận, nhẹ thì có thể xuất hiện những vết nứt, nặng thì có thể trực tiếp gây sụp đổ công trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn