MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình: Triển vọng vươn lên và đi tiên phong

Hoài An (thực hiện) LDO | 30/01/2017 18:54
Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 sẽ có tác động cụ thể tới kinh tế Việt Nam như thế nào? Đâu là cơ hội và thách thức của người lao động Việt Nam? Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, một trong những Tập đoàn hàng đầu về công nghệ và đào tạo nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam. 
“Không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới sẽ hình thành nên những tập đoàn khổng lồ có sức mạnh chủ yếu gắn với công nghệ số, những tập đoàn với công nghệ rất hiện đại và có một lượng lớn dữ liệu”.

Thưa ông, cách mạng công nghiệp 4.0  tác động đến tương lai của các nền kinh tế trên thế giới như thế nào?

-  Một cách ngắn gọn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng dựa trên nền tảng công nghệ học của máy. Có thể nói đây là cuộc cách mạng triệt để nhất, vô tiền khoáng hậu nhất, lớn nhất trong tất cả các cuộc cách mạng, theo đánh giá của tôi.

Sự khác biệt lớn nhất của cuộc cách mạng này là công nghệ học của máy, máy có thể học người. Sự khác biệt nằm ở quy mô tác động. Nói cách khác, sự khác biệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tức là số đã “đẻ” ra tiền. Đây là cuộc cách mạng có tác động sâu rộng, máy hơi nước, nhà máy điện hay máy tính đều có thể chạy trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không chỉ tất cả các ngành công nghiệp đều bị ảnh hưởng mà cả nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế tài chính, quản lý nhà nước, phong cách sống đều thay đổi hết. Nó thay đổi một cách triệt để và sâu sắc. Cách mà mỗi con người sống và làm việc, giao tiếp. Nó cũng làm thay đổi toàn bộ cách ứng xử của các tổ chức.

Còn đối với Việt Nam thì cuộc cách mạng này sẽ có tác động thế nào?

- Có những việc rất nên làm. Thứ nhất các doanh nghiệp phải biết rằng, sau một thời gian mà theo như tôi dự đoán là 15 năm, tốc độ của cuộc cách mạng này sẽ nhanh gấp 3 lần so với những cuộc cách mạng khác. Trong 15 năm nữa mà các doanh nghiệp không biến đổi thì các doanh nghiệp cũng sẽ đi đến phá sản. Chúng ta có chừng ấy thời gian để thích nghi với cuộc cạnh tranh này bởi những tổ chức quốc gia khai thác sức mạnh của cuộc cách mạng này sẽ tạo ra một quyền lực, một năng lực cạnh tranh mới và những quốc gia nào không sẵn sàng thì quốc gia đó sẽ bị tụt hậu.

Việc thứ hai là Việt Nam sẽ làm gì để bắt kịp với cuộc cách mạng, mà cuộc cách mạng này chủ yếu gắn với đổi mới và sáng tạo. Chúng ta có khuyến khích đầu tư để tạo ra nhiều công ty startup trong lĩnh vực cách mạng số hay không? Có mở cửa cho các quỹ nước ngoài vào hay không? Có tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp startup nhanh chóng đăng ký hay không? Chúng ta có thể nhanh chóng xử lý việc góp vốn hay thoái vốn cho các nhà đầu tư và một loạt vấn đề khác hay không? Chúng ta có thể đưa tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới sáng tạo vào hệ thống giáo dục hay không? Chúng ta có liên kết nguồn Việt kiều ở nước ngoài hay không? Các vấn đề sẽ liên quan đến khả năng, tốc độ nắm bắt. Chúng ta có đưa vào giáo dục đào tạo các công nghệ mới liên quan đến máy học hay không? Chúng ta có nhiều kỹ sư về máy học hay không? Cùng một loạt các vấn đề phát sinh khác. Chúng ta có đưa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào nông nghiệp hay không? Nền nông nghiệp Việt Nam có dịch chuyển thành nền nông nghiệp số hay không? Chúng ta có thể đưa du lịch của chúng ta thành nền du lịch trên không gian ảo hay không? Đó là những thách thức mà Việt Nam sẽ phải trả lời trong 15 năm tới.

Tôi dự báo rằng,  không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới sẽ hình thành nên những tập đoàn khổng lồ có sức mạnh chủ yếu gắn với công nghệ số, những tập đoàn với công nghệ rất hiện đại và có một lượng lớn dữ liệu. Sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẽ ra đi và cũng có nhiều doanh nghiệp mới được tạo dựng trong cuộc biến đổi này.

Nhiều ý kiến cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ khiến người lao động trực tiếp ở một số ngành, như may mặc, giày dép mất việc làm vì họ không thích ứng được và đối thủ của họ là máy móc, công nghệ. Ông nghĩ sao?

- Thực ra, vấn đề có thể hơi ngược lại là, những kỹ năng chân tay nói chung sẽ vẫn giữ mà chính khối lao động cổ trắng, dân trí thức sẽ gặp khó khăn hơn. Tôi ví dụ,  vì có thể chỉ cần những dữ liệu khám bệnh là máy có thể đưa ra phác đồ điều trị vì máy móc dựa trên dữ liệu lịch sử khám - chữa bệnh trước đó , nó sẽ có sức mạnh hơn bác sĩ.

Vậy còn ở góc độ những người lao động thủ công - họ cũng có thể bị thay thế bởi máy móc, robot, vậy họ sẽ phải thay đổi như thế nào?

- Thực sự đó là câu hỏi chưa có câu trả lời, chỉ biết rằng đó là điều rất khó khăn. Tất cả các quốc gia đều phải chuẩn bị hệ thống đào tạo nghề để mọi người có thể chuyển đổi công việc thông qua việc học và rất dễ dẫn đến việc những người thuần may cổ áo sẽ có thể bị thay thế bằng một cái máy, nhưng một người có thể biết thêm về y tế, về kỹ thuật sensor hoặc lập trình, chúng ta sẽ cần hàng ngàn, hàng triệu người như vậy để đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân.

Nếu chúng ta cần những lực lượng lao động vượt trội hẳn lên thì ông nhìn nhận đào tạo ở Việt Nam đang như thế nào và nó có đáp ứng được nhu cầu hay không?

- Theo tôi,  trước mắt chúng ta hãy làm những việc dễ dàng, quan trọng nhất hiện nay là không có người làm về công nghệ số, chúng ta phải lôi kéo thanh niên Việt Nam học Watson, Predix, tham gia vào chuyển đổi số cho các tập đoàn lớn về vận tải, bán lẻ, tài chính ngân hàng và bằng công việc chuyển đổi thế giới, như vậy nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ có kỹ năng khác biệt rộng lớn, đó là sức mạnh dân tộc tuyệt vời, là một hướng lớn rất nên làm.

Thứ hai, Việt Nam cũng nên mở cửa cho các ngành công nghiệp hệ 4.0. Trước kia chúng ta kêu gọi FDI, gia công quần áo, nhưng nay,  chúng ta sẽ gọi gia công quần áo “có chip” để không chỉ may mà còn có kỹ sư lập trình, để liên tục cải tiến thì chúng ta chuẩn bị cho một nền công nghiệp 4.0. Điều gì liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chúng ta mở hết và đi trước, nếu đi trước được thì các nước đi sau sẽ rất “nhức đầu”.

Theo ông, Chính phủ đang tạo điều kiện cho những doanh nghiệp về công nghệ như thế nào để “đón đầu” cuộc cách mạng này?

- Cũng phải hiểu điều này mới với tất cả, tất cả đều mới và mọi dự báo cũng chỉ là dự báo. Nhưng ít nhất có một số điểm tôi cho là tích cực. Thứ nhất, chúng ta không mất gì cả vì chúng ta chưa gắn chặt với công nghiệp 3, 2 hay 1, chỉ có nông nghiệp làm gốc, đầu tiên chúng ta lấy ngay nông nghiệp đó đẩy lên làm nông nghiệp 4.0. Thứ hai, Chính phủ cũng lắng nghe các hiệp hội. Việc lan tỏa những thông tin, thế giới đang làm như thế nào, chúng ta đang làm gì hay chúng ta có thể làm khác đi không… đã bắt đầu lan tỏa và có rất nhiều đề xuất mang tính xã hội. Chính phủ rất muốn lắng nghe và hy vọng rằng Chính phủ cũng cởi mở vì nếu không sẽ không biết chọn cách đi nào, bởi mọi cách đang trở nên rất hẹp, những cách truyền thống với Việt Nam cũng là rất hẹp. Ví dụ như Nhật Bản có chiến lược Trung Quốc +1, tức là di chuyển những cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Nhật Bản. Ngược lại công nghiệp phần mềm, nông nghiệp Nhật Bản lại rất muốn hợp tác với Việt Nam, đó là phép tư duy mới để bứt phá lên trong bối cảnh ngày nay. Tôi hy vọng, Chính phủ sẽ cởi mở với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hành động thay vì chờ bị nhấn chìm trong bão tố của cuộc cách mạng, chúng ta có thể vươn lên, đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tôi nghĩ, Việt Nam là quốc gia đang có những lợi thế mà nhiều quốc gia khác mơ ước cũng không có, ví dụ như dân số vàng và truyền thống hiếu học, đó là những vốn quý cần phát huy. Tôi thấy có những lĩnh vực mà Việt Nam có thể có vị thế trên thế giới như tin học, nông nghiệp, du lịch, nên nếu Việt Nam tập trung vào 3 trục chính này mà tiếp cận ngay với phương thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Việt Nam có thể có tương lai tốt và tất cả cũng chỉ có trong 15 năm.

+ Xin cảm ơn ông.

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1.11.2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đề cập tới những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang từng ngày chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0). Tại cuộc nói chuyện với thầy trò ĐHQG TPHCM hồi tháng 10.2016, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang cũng khẳng định: “Việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được trong suốt 30 năm qua để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới; tranh thủ các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Đi cùng với đó, đất nước cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, nếu không có chiến lược phù hợp thì sức ép đối với phát triển của Việt Nam còn lớn hơn nhiều, khoảng cách với các nước phát triển sẽ ngày càng tăng…”.

Trước đó, tại “Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam” (Vietnam ICT Summit 2016) diễn ra cuối tháng 9.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Đây là cuộc cách mạng mới mà những nước đi sau như Việt Nam hoàn toàn có khả năng bắt kịp với thế giới và cũng là cơ hội để ta khai thác được nguồn lợi khổng lồ từ cuộc cách mạng này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn