MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ không nên dùng những từ ngữ nặng nề khi trách mắng trẻ. Ảnh: Xinhua

2 cách trách mắng để không gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ nhỏ

Tuấn Đạt LDO | 18/07/2022 13:00

2 cách dưới đây sẽ giúp cha mẹ có thể tránh tình trạng trách mắng khiến trẻ nhỏ gặp ảnh hưởng tâm lý cũng như lòng tự trọng của con.

Cuộc sống thường ngày bận rộn và mệt mỏi khiến không ít phụ huynh không kiềm chế được lời nói mà trách mắng nặng nề đối với trẻ.

Nhiều chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, điều này sẽ khiến trẻ gặp không ít ảnh hưởng về mặt tâm lý. Đây cũng là một trong những lý do khiến sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái không còn khăng khít.

Do đó, 2 cách sau mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo để giảm tránh những “cơn thịnh nộ” khiến trẻ sợ hãi, buồn bã và thiếu tự tin ở chính mình.

Phân tích nhẹ nhàng

Phương pháp này nếu áp dụng đúng cách sẽ trở thành một cách hay nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể nói chuyện, dạy dỗ con một cách hiệu quả hơn. Thay vì dùng những từ ngữ nặng nề động chạm đến lòng tự trọng của con, cha mẹ hãy kiên nhẫn ngồi phân tích nhẹ nhàng cho con hiểu.

Sự bảo ban từ tốn của cha mẹ sẽ khiến các bé không còn cảm giác sợ hãi, muốn né tránh hay thu mình lại.

Hãy phân tích nhẹ nhàng để trẻ có thể nhận biết về những sai lầm của mình. Ảnh: Xinhua

Theo đó, đừng quên đưa ra những lời khuyến khích để “đánh vào tâm lý” của trẻ “Ba mẹ hiểu con không muốn điều này xảy ra”, “Ba mẹ biết con không muốn làm vậy”, “Chúng ta sẽ cùng giải quyết vấn đề này” hoặc “Ba mẹ tin con sẽ khắc phục được lỗi lầm mà mình gây nên”… Cách thức này sẽ khiến trẻ nhỏ có thể dễ dàng nhận thức được đúng – sai cũng như không có xu hướng phản kháng hay cãi lời dạy của cha mẹ.

Không nhắc lại sai phạm của con

Một trong những điều cha mẹ đặc biệt cần lưu ý đó chính là nhắc lại quá nhiều lần những sai phạm trước đó của các con.

Lý do là bởi việc nhắc nhở chuyện trẻ đã từng làm sai sẽ khiến trẻ nhỏ khó chịu, có tâm lý buông xuôi và không loại trừ khả năng tiếp tục lặp lại sai lầm đó.

Dần dần, tính cách của các con sẽ trở nên khó gần, tự ti, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động xấu ở bên ngoài.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi trẻ sai phạm, hãy chỉ ra lỗi của con và yêu cầu các bé có hướng giải quyết cụ thể. Điều này cũng giúp các con ý thức hơn trong việc tự chịu trách nhiệm những điều mà mình gây nên.

Bên cạnh 2 cách trên, trong quá trách mắng, cha mẹ hãy cố gắng điều chỉnh thái độ và không sử dụng những từ ngữ khiến con bị tổn thương.

Đồng thời cũng đừng thiếu sự tế nhị khi trách mắng con ở giữa đám đông vì phương thức này sẽ có tác dụng “ngược” khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, tự ti với mọi người xung quanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn