MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ cần dạy con cách bảo vệ bản thân và tìm nơi an toàn khi giông bão đến. Ảnh: Pixabay

3 điều cần dạy con lưu ý khi tránh giông bão ở nhà

Tuấn Đạt (T/ Hợp) LDO | 10/09/2024 13:00

Khi trẻ ở nhà một mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là những ngày giông bão, cha mẹ hãy dạy con những kiến thức và kỹ năng an toàn để bảo vệ bản thân.

Những ngày mưa giông bão khắp miền Bắc luôn có những nguy hiểm rình rập, vì vậy việc cha mẹ kịp thời giáo dục trẻ cách tự bảo vệ mình trong những hoàn cảnh có thể xảy ra gây nguy hiểm cho mình là vô cùng quan trọng, nhất là khi không có người lớn bên cạnh.

3 điều cần lưu ý khi dạy trẻ tránh giông bão khi ở nhà một mình.

Sạc đầy pin điện thoại và sạc dự phòng

Trong thời điểm mưa bão, mất điện là một tình huống luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, điện thoại di động là phương tiện quan trọng để liên lạc với người thân.

Vì vậy, một trong những điều đầu tiên cần dạy trẻ lưu ý chính là phải đảm bảo thiết bị điện thoại và sạc dự phòng luôn ở trạng thái sẵn sàng.

Hãy dạy trẻ cách kiểm tra pin điện thoại thường xuyên và hướng dẫn cách sạc dự phòng đúng cách. Đồng thời, dạy trẻ cách sử dụng điện thoại và sạc dự phòng hợp lý, tránh lãng phí pin để có thể dùng trong trường hợp khẩn cấp như liên lạc với người thân...

Tránh xa cửa kính và mái nhà

Giông bão thường kèm theo gió mạnh, sấm sét và mưa lớn, tất cả đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với trẻ nếu không được trang bị kiến thức an toàn. Cửa kính và mái nhà là hai khu vực nguy hiểm nhất trong nhà khi giông bão đến.

Dạy trẻ cần tránh đứng gần cửa sổ, cửa ra vào hoặc các vị trí có nhiều cửa kính. Nếu có thể, hãy khuyến khích trẻ tìm nơi an toàn hơn như phòng kín gió, ít cửa sổ hoặc vào phòng tắm để trú ẩn.

Trẻ em cũng cần được hướng dẫn cách đóng chặt tất cả cửa ra vào và cửa sổ, và tuyệt đối không nên chạy ra ngoài trong thời gian giông bão trừ khi có người lớn hướng dẫn trực tiếp.

Mái nhà cũng là một trong những khu vực nguy hiểm khác, đặc biệt là trong những căn nhà không được xây dựng kiên cố. Gió mạnh có thể làm tốc mái hoặc các vật thể từ trên mái rơi xuống, gây chấn thương cho người ở trong. Do đó, cần nhắc nhở trẻ nên tránh những khu vực có thể gây mất an toàn cho mình.

Lưu số điện thoại cứu hộ cứu nạn

Một điều quan trọng mà cha mẹ cần dạy trẻ nhỏ chính là lưu số điện thoại cứu hộ cứu nạn. Điều này không chỉ giúp trẻ có khả năng tự bảo vệ mình khi chưa thể liên lạc với người thân.

Các số điện thoại quan trọng như cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát và các cơ quan phòng chống thiên tai cần được lưu số cẩn thận trên điện thoại hoặc viết ra một tờ giấy dán ở nơi dễ tìm trong nhà.

Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ về việc sử dụng các số điện thoại này một cách có trách nhiệm. Chỉ nên gọi trong những tình huống thực sự khẩn cấp, ví dụ như khi bị mắc kẹt, gặp tai nạn do giông bão, hoặc phát hiện các nguy cơ mất an toàn như cây cối đổ, đường dây điện bị đứt.

Trẻ cũng cần được học cách bình tĩnh xử lý tình huống và làm theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng khi gọi cứu hộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn