MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc chăm con không còn là riêng của mẹ bỉm sữa. Ảnh: TL

Khi vợ sẽ không còn là “ngôi sao bỉm sữa” cô đơn

Xuyến Chi LDO | 27/02/2022 19:00

Hiện nay hình ảnh các ông bố lo bỉm sữa, chăm con,.. ngày càng trở nên quen thuộc. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với nhiều ông bố về vấn đề đàn ông chăm con.

Lâm Văn Nhạc (26 tuổi, Công nhân): Chăm con là việc của cả hai vợ chồng 

Từ công ty về nhà mất hơn một tiếng di chuyển nên mình lựa chọn thuê trọ gần công ty để ở. Khoảng 2-3 ngày hoặc 1 tuần, mình mới tranh thủ thời gian để về nhà giúp vợ chăm con được.

Về nhà mình giúp vợ mọi thứ từ việc thay bỉm, pha sữa cho con hay là việc nấu ăn, rửa bát. Mình luôn có suy nghĩ việc chăm con là việc của cả hai vợ chồng và chia sẻ việc nhà với vợ còn giúp chúng mình gắn kết với nhau hơn.

Thấy vợ khá vất vả với việc chăm con nên khi có thời gian rảnh Lâm Văn Nhạc luôn làm hết mọi việc để giúp đỡ vợ. Ảnh: NVCC

Không biết thì phải hỏi, đó là quan điểm của mình. Vì là lần đầu làm bố nên có nhiều điều mình không biết, khi ấy mình không đẩy trách nhiệm cho vợ mà  thường chủ động học trên mạng hoặc hỏi những người có gia đình rồi để có kinh nghiệm chăm con. 

Chu Quý Thắng (27 tuổi, Dịch vụ làm đẹp): Chia sẻ thẳng thắn về việc chăm con

Với tính chất công việc kinh doanh dịch vụ làm đẹp, mình thường phải đi sớm về khuya, thậm chí những tháng cao điểm, mình phải ở cửa hàng đến 1, 2 giờ đêm. Cũng chính bởi thế mà thời gian dành cho các công việc nội trợ cũng như chăm sóc con cái của mình là không nhiều. 

Khi xã hội ngày càng phát triển, sự bình đẳng trong cuộc sống hôn nhân sẽ càng được coi trọng, nhưng nó phụ thuộc vào tính chất công việc và sự thấu hiểu lẫn nhau của hai vợ chồng. Từ lúc kết hôn và sinh con, mình và vợ luôn dành thời gian để chia sẻ thẳng thắn với nhau về vấn đề này, bởi vậy vợ mình luôn thông cảm cho công việc của mình.

Mình hiểu chăm con là việc rất mệt, nhưng nếu như cả hai vợ chồng cùng cố gắng vất vả một chút thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

Dẫu có ít thời gian ở nhà nhưng Chu Quý Thắng không coi việc chăm con là việc riêng của ai mà luôn dành tối đa thời gian rảnh để cùng vợ chia sẻ công việc này. Ảnh: NVCC

Trịnh Hữu Nghĩa (25 tuổi, Nhân viên kỹ thuật): Chăm sóc con cái không là nhiệm vụ riêng của phụ nữ

Mình làm việc gần nhà, nên có khá nhiều thời gian dành cho gia đình. Vì cả hai vợ chồng đều khá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con nên mình luôn cố gắng san sẻ công việc với vợ. 

Mỗi người có một suy nghĩ riêng, nhưng mình nghĩ rằng nam nữ đều bình đẳng, không thể nói rằng việc vun vén gia đình và chăm sóc con cái là nhiệm vụ riêng của người phụ nữ. Là người đàn ông, mình cần phải mạnh mẽ, đứng ra để bảo vệ gia đình và sẵn sàng giúp đỡ vợ trong mọi việc.

Từ khi gia đình mình chào đón thiên thần nhỏ, mình đã dành hết thời gian rảnh cho gia đình, ít đi chơi và tụ tập với bạn bè. Nhiều lúc bạn bè cũng rủ đi chơi nhiều lắm, nhưng mình hạn chế đi, vì gia đình mới là thứ gắn bó với mình cả đời.

Dương Minh Đức (25 tuổi, Công nhân): Chia sẻ trách nhiệm chăm con khiến gia đình hạnh phúc hơn

Khi kết hôn và có đứa con đầu lòng, mình và vợ đều là những người còn rất trẻ. Bởi vậy, việc ổn định cuộc sống hôn nhân cũng như chăm sóc con cái đối với chúng mình cũng khá khó và không tránh khỏi những lúc áp lực. Hầu hết mọi người thường cho rằng, công việc chăm sóc con cái là của người mẹ và người bố chỉ đóng vai trò nhỏ phụ việc mỗi khi mẹ bận bịu, nhưng mình không nghĩ như vậy. 

Đối với Dương Minh Đức, gia đình luôn là số một nên anh luôn cố gắng để chăm lo cho mái ấm gia đình. Ảnh: NVCC

Chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái sẽ giúp mình xây dựng được sự gắn bó với các con từ thuở nhỏ đến lúc trưởng thành và duy trì được mối quan hệ gia đình bền vững. Còn vợ mình sẽ phần nào giảm bớt áp lực, có thêm thời gian nghỉ ngơi.

Điều này cũng cải thiện đáng kể không khí gia đình, cũng như giúp vợ chồng mình cân bằng cuộc sống, hạnh phúc và tự tin hơn, xóa bỏ cảm giác cô đơn, lạc lõng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn